Trao tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (1975 – 2025), Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam tổ chức lễ trao tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị.

Ngày 22/4/2025, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam tổ chức lễ trao tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường” không chỉ là hồi ức riêng tư của tác giả Phạm Quang Nghị mà còn gói ghém những kỷ niệm chung của một thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt.

“Nơi ấy là chiến trường” được tác giả Phạm Quang Nghị chia làm 8 phần lớn như: Vượt Trường Sơn, ở “R”, Về miền Đông, Nhịp sống đồng bằng, Người vùng ven, Tây Ninh ngày ấy, Gặp gỡ Sài Gòn, Ngày trở về. Bên cạnh đó còn có các phần phát biểu trước ngày lên đường đi B, lời kết, cùng một số nhận định, cảm nhận của các nhà văn, nhà báo. Phần cuối của cuốn sách là một số hình ảnh và tư liệu về những ngày tác giả Phạm Quang Nghị ở chiến trường.

Từng trang viết được đan xen giữa những dòng nhật ký ghi lại mỗi ngày của người lính trong điều kiện khắc nghiệt, từ đường hành quân, những ngày yên lặng tiếng súng, đến giữa làn đạn rực sáng trong đêm hay khi cơn sốt rét hành hạ. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như giá trị thiêng liêng của hòa bình.

Bên cạnh việc lưu giữ kỷ niệm cá nhân, tác giả cũng gửi gắm lời tri ân sâu sắc đến đồng bào, chiến sĩ và nhân dân đã nuôi giấu, giúp đỡ ông cũng như các cán bộ, chiến sĩ khác trong những năm tháng kháng chiến.

Cuốn sách, phát hành lần đầu năm 2019, đã được đón nhận nồng nhiệt từ đông đảo độc giả, trở thành một tài liệu quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với sự hỗ trợ của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ông Phạm Quang Nghị đã tái bản và in sách để gửi tặng các địa phương đã từng sống và chiến đấu. Cuốn sách mặc dù là kỷ niệm riêng của bản thân, nhưng cũng là kỷ niệm chung của biết bao người đã sống trong thời gian chiến tranh.

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button