Đền Trần – điểm đến tâm linh và giáo dục truyền thống dân tộc

Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là một trong những khu di tích lịch sử có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Trải qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ, cho đến nay Đền Trần đã trở thành điểm đến tâm linh, thu hút rất đông lượt khách đến đây mỗi năm, đặc biệt là dịp Xuân về.

Đền Trần tại Nam Định. Ảnh: Thiện Nhân

“Dấu xưa tích cũ”

Khu di tích lịch sử Đền Trần Nam Định hiện nay tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn, với bố cục chính giữa là Đền Thiên Trường (hay còn gọi là Đền Thượng), bên phải là Đền Cố Trạch (Đền Hạ) và bên trái là Đền Trùng Hoa. Phía trước khu đền có 5 cổng dẫn vào, trong đó 3 cổng chính nằm ở vị trí trung tâm và là cổng lớn nhất. Trên các cổng này được khắc hai dòng chữ Hán: “Trần Miếu” và “Chính Nam Môn”.

Theo cách giải thích của Hồ Đức Thọ trong cuốn “Trần Miếu (Đền Trần Nam Định) di sản và tín ngưỡng dân gian”: “Trần Miếu” là tên cổ của Đền Trần (Tức Mặc – Nam Định). “Trần” tức là họ Trần, nhà Trần; “Miếu” có nghĩa là đền thờ thánh, thần, lại còn hàm ý chỉ cung điện của các bậc đế vương; cụ thể hơn là Miếu nhà Trần, nơi thờ tự có liên quan đến cung điện Thái Thượng Hoàng, phủ đệ của các vương hầu.

Cụm từ “Chính Nam Môn” mang ý nghĩa bắt nguồn từ tư tưởng Nho giáo: Một vị vua trị vì quốc gia phải hướng về phía Nam để lắng nghe ý kiến của muôn dân. Chính vì vậy, các di tích này không được xây dựng trong làng Tức Mặc mà đặt riêng biệt, với hướng quay về phía làng Tức Mặc. Điều này tượng trưng cho sự hồi tưởng về nguồn gốc, nơi khởi đầu của nhà Trần – từ những người làm nghề chài lưới, họ đã vươn lên trở thành dòng họ đại diện cho dân tộc, dựng xây đất nước.

Dựa trên các tài liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ học và truyền thuyết dân gian, khu di tích này được xây dựng trên nền cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa, vốn là trung tâm hành cung Tức Mặc – Thiên Trường. Tức Mặc chính là quê hương của nhà Trần, nơi khởi nguồn và phát triển của triều đại này. Việc xây dựng hành cung Tức Mặc được bắt đầu từ năm 1239 và hoàn thiện cơ bản vào năm 1262, khi vua Trần quyết định nâng hương Tức Mặc lên thành Phủ Thiên Trường.

Theo ghi chép trong “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, vào tháng 2 mùa Xuân, làng Tức Mặc được thăng cấp thành Phủ Thiên Trường. Tại đây, cung Trùng Quang, cung Trùng Hoa và chùa Phổ Minh được xây dựng. Thượng Hoàng Trần Thái Tông thường xuyên đến hành cung Tức Mặc để tổ chức yến tiệc cho dân chúng. Những người già trong làng từ 60 tuổi trở lên được ban quan tước, phụ nữ được tặng hai tấm lụa. Làng Tức Mặc chính thức đổi tên thành Phủ Thiên Trường, nơi cung Trùng Quang được xây dựng để các vua nhường ngôi lui về sinh sống. Cung Trùng Hoa, nằm phía Tây cung Trùng Quang, được dùng để đón tiếp vua khi đến chầu Thượng Hoàng. Ngoài ra, các chức dịch cũng được bố trí tại đây để phục vụ và quản lý hai cung điện này.

Từ những ghi chép trên, có thể thấy rằng Phủ Thiên Trường tuy không phải là kinh đô chính thức, nhưng đóng vai trò như một hoàng thành quan trọng của triều đại nhà Trần.

Tháp Phổ Minh, một thắng cảnh trong cụm di tích Đền Trần – Nam Định. Ảnh: Thiện Nhân

Đất phát tích của dòng họ

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhà Trần dần suy tàn và nhường chỗ cho các triều đại khác. Tuy nhiên, con cháu của dòng họ Trần vẫn luôn ghi nhớ nguồn gốc và quê hương của mình. Đến thời Lê, các chi phái họ Trần bắt đầu trở về quê cũ tại hương Tức Mặc. Về sau, con cháu các chi họ Trần tại Tức Mặc đã cùng nhau họp bàn, thống nhất xây dựng một nhà thờ Đại tôn của dòng họ trên khu đất xưa thuộc cung Thiên Trường, nơi từng là vị trí của các cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa. Nhà thờ Đại tôn họ Trần được khởi dựng lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 15 (1695), dưới thời vua Lê Hy Tông. Công trình ban đầu được xây dựng đơn giản với ba gian gỗ lợp tranh.

Hiện nay, tại Đền Thiên Trường – vốn là vị trí của nhà thờ Đại tôn ban đầu – vẫn còn lưu giữ đôi câu đối ghi lại sự kiện xây dựng này, như một minh chứng cho lòng tri ân và sự trân trọng nguồn cội của con cháu dòng họ Trần.

Chính Hòa miếu chế hương sùng đạo

Minh Mệnh tuần hành quốc tế hưng

(Niên hiệu Chính Hòa quê hương lập miếu thờ dưới thời Minh Mệnh việc quốc tế được phục hồi như xưa).

Vào năm Long Đức thứ hai (1733), địa phương đã xây thêm 5 gian nhà bằng gỗ lim lợp tranh ở phía trước, làm nơi tiền tế. Đến năm Tự Đức thứ năm (1852), khu vực Trần Miếu được xây dựng thêm tường bao quanh. Năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876), nhà tiền tế được sửa chữa, thay mái lợp ngói, tạo nên vẻ trang nghiêm hơn. Trước năm 1894, khi tiến hành sửa chữa Trần Miếu, phần khung của nhà thờ Đại tôn trước đây được chuyển sang xây dựng đền Cố Trạch vào năm 1895. Sau đó, vào năm 1908, đền Cố Trạch được tu sửa lại như hiện trạng hiện nay.

Tại khu Trần Miếu, vào năm Thành Thái thứ 5 (1903), hai bức tượng voi quỳ được đắp trước sân, hướng vào trong đền. Đến năm Duy Tân thứ 3 (1909), cổng Ngọ Môn được xây dựng, hai hồ nhỏ phía sau cổng Ngọ Môn và trước hai cột đồng trụ đã được đào thông nhau, tạo lối đi hai bên hồ. Những năm sau, các hồ này được kè đá xung quanh. Hai hồ nhỏ phía trước cổng Ngọ Môn thì bị lấp để làm ruộng, đồng thời tạo hai lối đi vào cổng bên phía Đông và phía Tây.

Thượng Miếu, còn gọi là đền Thiên Trường hay đền Thượng, là nơi thờ 12 vị vua thời Trần chính thống và 2 vị vua thời Hậu Trần, tổng cộng 14 đời vua. Trên các ban thờ tại đây đều có ngai rồng và bài vị được chạm khắc hình tứ linh, sơn son thếp vàng tinh xảo, thể hiện sự tôn kính của hậu thế với các vị vua nhà Trần.

Hạ Miếu, tức đền Cố Trạch, là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia đình và các tướng sĩ thân cận của ông. Dựa trên nền móng của cung Trùng Hoa xưa, vào năm 2000, đền Trùng Hoa được xây dựng ở phía Tây đền Thiên Trường, nằm trong khuôn viên khu di tích Đền Trần. Nơi đây hiện thờ tượng của 14 vị hoàng đế nhà Trần.

Có thể thấy rằng, khu di tích lịch sử Đền Trần có một giá trị lịch sử, văn hóa từ lâu đời, gắn với một thời đại huy hoàng trong lịch sử Việt Nam, đó là triều đại nhà Trần, với những chiến công hiển hách trong công cuộc chống ngoại xâm – ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược (1258 – 1288), bảo vệ quốc gia dân tộc. Những dấu ấn chói lọi đó sẽ còn vang mãi cho đến ngày nay, góp phần giáo dục nhiều thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cố gắng phấn đấu hơn nữa vì tương lai của đất nước.

Nguồn: Báo Lao Động

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button