Xem thợ làng Địa Linh làm tượng ông Táo

Để có được những tượng ông Táo đạt chuẩn, người thợ ở làng Địa Linh phải thực hiện qua nhiều công đoạn công phu, đòi hỏi sức khỏe, chịu khó và sự tỉ mỉ.

Để có được những tượng ông Táo đạt chuẩn, người thợ ở làng Địa Linh phải thực hiện qua nhiều công đoạn công phu, đòi hỏi sức khỏe, chịu khó và sự tỉ mỉ.
Địa Linh là ngôi làng duy nhất còn lại ở tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) còn lưu giữ được nghề làm ông Táo bằng đất nung. Đây là nghề truyền thống đã có từ lâu đời và được gìn giữ qua bao thế hệ con cháu.
Theo những người thợ thâm niên của làng, để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn công phu, người thợ phải khéo tay, tỉ mỉ.
Bước đầu tiên, chuẩn bị nguyên liệu là đất sét, trộn với nước để tạo độ mềm dẻo, sau đó chia thành từng khối nhỏ. Tiếp đến đất sét phải được nhồi kỹ để đảm bảo độ mềm, nhão và mịn, khi dùng hai ngón tay vân vê sẽ cảm nhận được sự mịn màng.
Sau khi đất sét đạt yêu cầu, người thợ dùng khuôn gỗ lim để đúc tượng. Đất sét được cho vào khuôn, nén chặt và gạt bỏ đất thừa. Sau đó, tượng được kiểm tra lại, chêm thêm đất và tạo bề mặt phẳng để tượng đứng thẳng. Đúc xong, tượng được đem ra phơi dưới nắng để khô.
Khi tượng đã khô cứng, chúng được xếp vào lò nung. Trong lò, người thợ đốt trấu và chêm vụn gạch nhỏ giữa các tượng để tạo khoảng cách, đảm bảo tượng không bị vỡ trong quá trình nung. Quá trình nung kéo dài khoảng một ngày một đêm.
Ông Võ Văn Đức (70 tuổi) – Thợ nặn tượng ông Táo làng Địa Linh chia sẻ, thông thường trong tất cả các công đoạn, công đoạn nhồi đất sét cho mịn là vất vả nhất, nó đòi hỏi người làm phải khỏe và chịu khó.
“Để làm ra một sản phẩm như vậy phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nghề nặn tượng ông Táo không đòi hỏi tư duy nhiều nhưng lại cần người thợ có tính cần mẫn, chịu khó, đôi bàn tay phải khéo léo” – ông Đức nói.
Hoàn thiện các bước quan trọng, người thợ sẽ sơn màu cho tượng. Có thể tô màu rực rỡ và rắc kim tuyến cho những tượng cao cấp, hoặc chỉ quét lớp sơn màu cánh gián cho những tượng đơn giản.
Quy trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kinh nghiệm lâu năm của người thợ để tạo ra những bức tượng ông Táo đẹp và sắc nét.
Cận kề ngày đưa ông Táo về trời, hai vợ chồng anh Võ Văn Hải (làng Địa Linh) vẫn đang miệt mài sơn vẽ, đóng thùng cho những tượng Táo, những đơn hàng cuối cùng của dịp này.

Nguồn: Báo Lao Động

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button