Tinh hoa văn hóa Việt cổ trong “Văn hóa Chăm: Di sản và huyền thoại”

Ẩn mình giữa núi non huyền thoại của mảnh đất miền Trung và Tây Nguyên, văn hóa Chăm trải qua hàng thế kỷ, được gìn giữ và bảo tồn như một bảo vật quý giá, theo thời gian đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo nên bức tranh văn hóa đầy sắc màu của văn hóa Việt Nam.

Video clip “Văn hóa Chăm: Di sản và huyền thoại” là sản phẩm do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện trong khuôn khổ nhiệm vụ “Sản xuất video clip hỗ trợ tuyên truyền quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Kiến trúc của tháp Chăm hiện hữu sự kết nối giữa thiên nhiên, con người và vũ trụ

Trong hành trình “trở về quá khứ” khám phá văn hóa Chăm, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu về một nền văn hóa cổ xưa với những di sản mang đậm dấu ấn Chăm. Người Chăm sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, sở hữu ngôn ngữ, phong tục tập quán và trang phục truyền thống riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú. Cùng với đó là hệ thống những công trình kiến trúc đền tháp cổ kính, những nghề thủ công truyền thống, lễ hội dân gian hay âm nhạc – nghệ thuật đặc sắc.

Nét đặc trưng nổi bật của văn hóa Chăm chính là kiến trúc đền tháp, thể hiện sự tài năng và khiếu thẩm mỹ của con người, gắn liền với chiều dài lịch sử và nền văn hóa Việt Nam. Kiến trúc tháp Chăm có sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật xây dựng, điêu khắc và đời sống tín ngưỡng, tạo nên những “tác phẩm” đền tháp vừa mạnh mẽ, vừa thanh thoát, thể hiện sự hòa quyện tinh tế giữa con người và thiên nhiên.

Những chi tiết chạm khắc trên tháp mang đậm dấu ấn của nghệ thuật điêu khắc cổ

Người ta ca ngợi rằng, vật liệu được sử dụng trong kiến trúc Chăm là “bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”. Đó là chất liệu gạch nung đỏ, qua đôi tay tài hoa của các nghệ nhân và những người thợ lành nghề đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đầy tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa, bản sắc dân tộc. Từng viên gạch đỏ rực dưới ánh mặt trời, từng họa tiết chạm khắc công phu, tỉ mỉ, mô tả các vị thần linh, cảnh thần thoại, và biểu tượng thiên nhiên, tạo nên sự kết nối giữa con người và vũ trụ… Mỗi ngọn tháp với hình dáng vươn cao vút như một ngọn đuốc sáng, tôn vinh sức mạnh của trời đất, của con người, cũng là tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Chăm.

Đền tháp Chăm là một công trình kiến trúc mang ý nghĩa đặc biệt, được coi là biểu tượng văn hóa, tôn giáo, là một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Di sản kiến trúc đền tháp Chăm không chỉ là biểu tượng tôn giáo của người Chăm, mà còn là kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá, lưu giữ và truyền tải những giá trị quý báu trường tồn qua thời gian, làm giàu thêm bản sắc và sự đa dạng của văn hóa Việt, góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc.

Hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào Chăm vừa tinh xảo, vừa đẹp mắt, thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người phụ nữ

Nền văn hóa Chăm không chỉ lưu dấu đậm nét ở các công trình kiến trúc hay các nghi thức tôn giáo, đồng thời còn được phản ánh sinh động qua đời sống, phong tục tập quán, nghề thủ công hay lễ hội truyền thống… Và một trong những báu vật đó chính là nghệ thuật dệt thổ cẩm. Với sự đa dạng, phong phú trong hoa văn, phụ nữ Chăm đã tạo nên những nét vô cùng riêng trong cách dệt và trang trí trang phục.

Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường thể hiện theo nét truyền thống của đồng bào Chăm, vô cùng đa dạng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật… Hoa văn trên trang phục của đồng bào thường có hình động vật, thực vật, đồ vật và những hình họa tinh xảo, đẹp mắt khác, góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng sản phẩm.

Dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là minh chứng cho sức sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, tính nghệ thuật của người Chăm, mà còn thể hiện dấu ấn đặc trưng của một dân tộc với bề dày lịch sử lâu đời, bản sắc văn hóa độc đáo và đời sống tinh thần phong phú của họ. Đến nay, người Chăm vẫn còn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống trong việc tạo hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt.

Dấu ấn văn hóa Chăm hiện hữu qua vẻ đẹp tinh tế, thanh lịch của người phụ nữ

Tinh hoa trong dấu ấn văn hóa của người Chăm còn hiện hữu qua sự sáng tạo, tinh tế, khéo léo của người phụ nữ trên những tác phẩm gốm. Gốm của người Chăm được chế tác từ những nguyên liệu dân dã, dụng cụ thô sơ, được tạo nên bởi những người thợ lành nghề. Mỗi sản phẩm gốm đều mang vẻ đẹp rất riêng với tính độc bản, thể hiện dấu ấn của nghệ nhân trên từng sản phẩm. Gốm của người Chăm cho đến nay vẫn giữ được sự tinh túy từ vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ thông qua kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được truyền qua bao thế hệ từ cách đây hàng trăm năm. Các tác phẩm gốm thể hiện sự gắn kết hài hòa với thiên nhiên, lưu giữ những giá trị tri thức văn hóa dân gian to lớn, góp phần kết nối các thế hệ, kết nối truyền thống với hiện đại.

Những thước phim chân thật và cảm xúc trọn vẹn về một mảnh đất hội tụ đầy đủ thiên nhiên đa dạng cùng nền văn hóa đặc trưng độc đáo. Nổi bật trong đó là nền văn hóa cổ xưa với những di sản mang đậm dấu ấn Chăm với những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, có giá trị lịch sử quý giá, cùng với những nét đẹp trong phong tục tập quán và đời sống phong phú của đồng bào dân tộc Chăm.

Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button