Việc tích hợp mã QR tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, đến ứng dụng thuyết minh tự động (Audio Guide), tham quan trực tuyến, hay xem phim 3D, tất cả đã góp phần mang đến một cách tiếp cận mới mẻ và sinh động hơn đối với di sản.

Trải nghiệm di sản qua lăng kính công nghệ
Nhiều năm qua, một số điểm di tích trên địa bàn Hà Nội đã đưa công nghệ vào hoạt động trải nghiệm cho du khách. Văn Miếu – Quốc Tử Giám vận hành sản phẩm “Tinh hoa đạo học” hơn 1 năm qua, với điểm nhấn là màn biểu diễn 3D mapping dài gần 15 phút tại nhà Thái học được thiết kế công phu bằng công nghệ chiếu sáng.
Cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục ra mắt phim 3D mapping “Sử đá lưu danh” để tạo điểm nhấn mới trong tour đêm.
Bên cạnh các di tích văn hóa, không ít bảo tàng cũng mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày, thu được thành quả nhất định. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày còn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang ứng dụng nhiều sản phẩm của công nghệ cho công tác trưng bày, triển lãm như thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, tour 3D, triển lãm mỹ thuật trực tuyến…
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị – Hội thảo “65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu ra tại hội nghị, trong đó, có công tác đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Chuyển đổi công nghệ số cần phù hợp, hiệu quả
Góp ý cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời đại 4.0, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ là rất cần thiết nhưng cũng cần lưu ý đến giá trị nguyên gốc của hiện vật.
Đúng như biểu trưng của Cục Di sản văn hóa, nhiệm vụ có tính đặc thù trong hoạt động chuyên môn của Cục Di sản văn hóa là gìn giữ, phát huy giá trị và chuyển giao kho tàng di sản văn hóa Việt Nam dưới dạng nguyên gốc và chân thực cho các thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, những di sản tư liệu cũng cần được số hóa giúp việc quảng bá tới đông đảo công chúng đạt hiệu quả.
“Cục Di sản văn hóa cần có hướng dẫn, đào tạo cho các địa phương kiến thức đánh giá, xếp loại các di sản tại địa phương, từ đó lập danh sách từng loại di sản để có lộ trình bảo tồn, phát huy giá trị, ghi danh hiệu quả” – TS Vũ Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á – Thái Bình Dương – phát biểu.
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Hùng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cần tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở địa phương; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, phù hợp với thời đại công nghệ số.
PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia – đề xuất trong chặng đường phát triển tiếp theo, cần xã hội hóa hoạt động của ngành để huy động nguồn lực toàn xã hội.
Với những định hướng rõ ràng trong chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngành di sản không chỉ đóng vai trò là động lực bảo vệ và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn chuyển hóa giá trị di sản văn hóa thành “tài sản” quý giá, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa – cho biết, hiện cả nước có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó 34 di sản được UNESCO ghi danh. Hệ thống bảo tàng bao gồm 203 bảo tàng (127 công lập, 76 ngoài công lập), với hơn 4 triệu hiện vật được lưu giữ và trưng bày. |
Nguồn: Lao Động