Ramưwan là một trong những lễ hội quan trọng nhất và cũng được ví như ngày tết của đồng bào Chăm Bàni, những người con ở xa quê cũng trở về nhà để hòa cùng không khí vui đón lễ hội, cầu xin bình an.
Hàng năm vào dịp lễ hội Ramưwan (hay Ramawan), bà con đồng bào Chăm Bàni lại nhộn nhịp vui hội Mukkei – Tháng chay tịnh Ramưwan, thực hành các nghi lễ tôn giáo và tưởng nhớ tổ tiên…



Ramưwan là một trong những lễ hội quan trọng nhất và cũng được ví như ngày tết của đồng bào Chăm Bàni. Đây không chỉ là dịp để cộng đồng người Chăm thực hành các nghi lễ tôn giáo, tưởng nhớ tổ tiên mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết cùng những giá trị văn hóa đặc trưng.
Những ngày trước khi diễn ra lễ hội, không khí chuẩn bị tại các làng Chăm Bà ni vô cùng nhộn nhịp; đường làng, ngõ xóm được trang trí rực rỡ cờ hoa. Tại các gia đình, mọi người quây quần bên nhau, tất bật trang hoàng nhà cửa, gói bánh, ép cốm…
Trong khi đó, những người con ở xa quê cũng trở về nhà để hòa cùng không khí vui đón lễ hội, cầu xin bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi.






Quan trọng và đặc sắc của lễ hội Ramưwan là lễ tảo mộ kéo dài trong 3 ngày, bắt đầu từ những ngày cuối của tháng trước và kết thúc vào ngày đầu tiên của Ramưwan. Dịp này, từng gia đình người Chăm Bàni đến nghĩa trang để làm sạch và trang trí mộ cho người thân.
Mộ được xây dựng bằng những hòn đá tròn, xếp thành các hàng đều đặn cách đều nhau. Mộ chôn theo hướng theo Bắc – Nam (hướng Bắc là đầu và hướng Nam là chân). Đặc biệt, một số ngôi mộ được xây sát nhau, thậm chí có trường hợp chôn chồng lên nhau, nên được gọi là mộ chôn chung.




Bên tiếng kèn Saranai du dương, trầm bổng hòa cùng tiếng trống Ghi-năng bập bùng, vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng của các thiếu nữ Chăm làm nên những tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc, lưu giữ giá trị truyền thống của cộng đồng.

Dịp này ngoài các nghi thức hành lễ gia tiên – người thân trong gia đình đã khuất, đồng bào Chăm còn thực hành các nghi thức cúng lễ tại nhà và tại các chùa (thánh đường – nơi thực hành các nghi lễ truyền thống) cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi với các chương trình ca múa nhạc truyền thống.

Chia sẻ về nghi thức cúng gia tiên tại nhà, Ngọc Quỳnh cho hay, khi tảo mộ về, mỗi gia đình sẽ chọn một vị trí quan trọng trong nhà, kê ván trải chiếu hoa, để khay trầu, ấm trà, hoa quả, và đặc biệt phải có gối nằm.
Đây là nơi tổ tiên ông bà về ngự trong mùa Ramâwan. Sau khi lập bàn tổ xong, người Chăm sẽ chuẩn bị lễ vật để làm lễ “cúng gia tiên”.
Hình thức cũng gần giống như cúng gia tiên của người Kinh, nhưng với người Chăm Bàni chỉ là hình thức tưởng nhớ tổ tiên chứ không phải nghi thức thờ phượng vì trong nhà không lập bàn thờ, Ngọc Quỳnh giải thích.

Người Chăm Bàni thường quen gọi nơi cử hành các nghi lễ là chùa thay cho thánh đường. Trong tháng chay niệm Ramưwan nhằm tịnh tâm, làm cho thể xác, tinh thần trong sạch, chế ngự những ham muốn tầm thường.
Các vị chức sắc Bàni và tín đồ sinh hoạt tại chùa và chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già, ốm đau).
Nguồn: Tạp chí Du lịch TPHCM