Ngày 28/03/2025, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam ký kết hợp tác cùng với Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT, TikTok Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của Việt Nam, dưới sự chứng kiến của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam.
Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam hợp tác cùng các đơn vị triển khai các hoạt động cụ thể trong chuỗi chương trình “Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số”, nhằm lan toả các giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong không gian số, để ngày càng có thêm nhiều người tiếp cận, biết đến những tầng ý nghĩa, giá trị của di sản, qua đó nâng cao nhận thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Trong thời đại Công nghệ 4.0, khi thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ những bước tiến vượt bậc của khoa học và công nghệ, việc bảo tồn di sản văn hóa cũng cần tìm cho mình một con đường mới để tiếp cận hiệu quả hơn với cộng đồng.
Thông qua sự hợp tác của các bên, không chỉ nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản mà còn thúc đẩy việc bảo tồn di sản trong thời đại số. Bằng cách ứng dụng công nghệ và truyền thông đa phương tiện, các hoạt động thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị di sản hứa hẹn sẽ mở ra không gian mới để kết nối giữa thế hệ trẻ và các thế hệ đi trước, từ đó lan tỏa vẻ đẹp và bản sắc văn hóa Việt Nam đến công chúng trong nước và quốc tế.
Không giới hạn ở những không gian bảo tồn truyền thống hay những hình thức tiếp cận đơn thuần, di sản văn hóa giờ đây còn cần được mở rộng truyền tải, thông tin theo nhiều phương thức sáng tạo trên không gian số, nơi công nghệ trở thành cây cầu kết nối giữa giá trị truyền thống và cuộc sống hiện đại, khơi dậy sự quan tâm sâu sắc của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với các giá trị quý báu mà cha ông để lại.

Công nghệ số mang đến khả năng truyền tải các giá trị di sản theo những cách mà trước đây chúng ta khó có thể tưởng tượng, như qua sức lan toả lớn của các video ngắn, các video MV âm nhạc có nội dung về di sản trên các nền tảng số, các sản phẩm truyền thông di sản ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và các nội dung truyền thông hiện đại… từ đó giá trị di sản văn hóa Việt Nam được “đánh thức” khỏi những khuôn mẫu truyền thống để trở thành nguồn cảm hứng sống động và gần gũi.

Có thể thấy, qua các nền tảng số, di sản không còn là điều gì đó xa vời mà trở thành một phần của nhịp sống hiện đại. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng đã có thể khám phá vẻ đẹp của những làng nghề truyền thống, những lễ hội đặc sắc, hay những di tích lịch sử đã đi vào tâm thức dân tộc. Đây không chỉ là cách thức để lưu giữ mà còn là cơ hội để phát huy giá trị văn hóa, gắn bó truyền thống với những khía cạnh đời sống đương đại.
Thông tin, dữ liệu về di sản thông qua sự hỗ trợ từ công nghệ số và các nền tảng nội dung đa phương tiện sáng tạo không chỉ được bảo tồn mà còn được tái hiện và lan tỏa theo một cách mới mẻ, dễ tiếp cận hơn với mọi đối tượng, đặc biệt là giới trẻ, bởi các giá trị di sản được kết nối, tạo mối liên hệ cảm xúc sâu sắc hơn giữa cộng đồng với di sản của cha ông.
Trong khuôn khổ chương trình “Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số” ngày 28/3, còn có buổi toạ đàm với chủ đề “Công nghệ, giới trẻ và di sản” với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả uy tín, bao gồm đại diện TikTok Việt Nam, đại diện Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, đại diện Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT, đại diện gương mặt trẻ nổi bật. Các diễn giả cùng thảo luận về cách đưa di sản đến gần hơn với giới trẻ, khơi dậy tình yêu di sản trong thế hệ mới và khai thác tiềm năng của công nghệ, nền tảng số trong việc kết nối giới trẻ với văn hóa truyền thống. Tọa đàm cũng mang đến những góc nhìn mới mẻ, giải pháp sáng tạo giúp lan tỏa giá trị di sản qua nội dung trực tuyến, từ đó xây dựng một cộng đồng trẻ đam mê văn hóa, chủ động tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Việt Nam. Cũng trong chương trình sự kiện, những người yêu di sản được khám phá, chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh Di sản Việt Nam, là những tác phẩm xuất sắc lưu giữ những khoảnh khắc, câu chuyện đầy cảm xúc về vẻ đẹp và giá trị di sản văn hóa của đất nước; được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật, vật phẩm quý hiếm có giá trị văn hoá, lịch sử lớn. Đặc biệt, khách mời còn được sử dụng kính thực tế ảo (Virtual Reality Glasses – VR) để trải nghiệm hình ảnh 3D của các di sản nổi bật như đình, chùa, hoặc các tác phẩm hội họa cổ, khám phá các bảo tàng ảo, khám phá sinh động về di sản qua bộ thẻ flash di sản tích hợp công nghệ thực tế ảo (AR)… mang lại trải nghiệm mới lạ, chiêm ngưỡng di sản văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại cho cảm nhận thêm gần gũi và thú vị hơn. |