Những phát hiện khảo cổ học tại Thanh Hóa đã làm rõ tính toàn vẹn của một kinh thành, khẳng định tầm vóc và giá trị toàn cầu của di sản.

Ngày 12.5, Sở VHTTDL Thanh Hóa cho hay, những năm qua, công tác khai quật khảo cổ học tại Di sản Thành Nhà Hồ đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định tính toàn vẹn, xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Một mặt bằng quy hoạch tổng thể của kinh thành Tây Đô – kinh đô nhà Hồ vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV – đã dần hiện rõ với hệ thống đền miếu, điện chính, đường sá, cổng thành, hào nước… được bố trí đồng bộ, quy chuẩn.
Tại trung tâm thành nội, các nhà khảo cổ đã phát lộ dấu tích một kiến trúc hoành tráng – được xác định là Chính điện Hoàng Nguyên, nơi vua thiết triều. Tòa điện gồm 9 gian, có hệ thống chân tảng, móng cột và vật liệu đặc trưng thời Hồ như ngói lợp men vàng, gạch trang trí hình rồng. Đây là phát hiện then chốt giúp định vị trục thần đạo của kinh thành và các kiến trúc phụ trợ xung quanh.

Con đường Hoàng Gia và Đàn tế Nam Giao là con đường lát đá phiến dài khoảng 2,5km nối từ Chính điện tới Đàn tế Nam Giao dưới chân núi Đốn Sơn được phát hiện – trùng khớp với mô tả trong sử sách về “đường Cái Hoa”. Đây là trục nghi lễ quan trọng, nơi nhà vua hành lễ tế trời đất cầu quốc thái dân an. Tại Đàn tế, nhiều di tích như giếng Vua, viên đàn, đường thần đạo, hệ thống cống thoát nước và hàng loạt hiện vật có giá trị đã được tìm thấy.

Hào Thành bao quanh thành đá được xác định là hệ thống bao quanh toàn bộ kinh thành, rộng khoảng 50m, dài 4km. Bờ kè được kè đá cổ và lòng hào gia cố kỹ lưỡng. Đây là lớp phòng thủ vừa mang yếu tố quân sự, vừa điều tiết thủy lợi, bảo vệ thành.
Thành Nhà Hồ có 4 cổng thành đồ sộ, xây bằng các khối đá lớn hình thang cân ghép vòm cuốn mà không dùng chất kết dính. Đặc biệt, các cổng Nam và Bắc có vọng lâu phía trên với hệ thống thoát nước và lỗ chân cột bố trí rất bài bản. Bên trong cổng lát đá xanh nguyên khối, nền móng vững chắc, thể hiện kỹ thuật xây dựng bậc thầy.

Bên cạnh đó, kết quả khảo cổ đã phát lộ rõ những kiến trúc thờ tự, sinh hoạt hoàng gia mang dấu ấn vương triều Hồ.
Đông Thái Miếu và Tây Thái Miếu là hai công trình thờ họ Nội và Ngoại của nhà Hồ được bố trí đăng đối ở Đông Nam và Tây Nam khu thành nội. Mỗi miếu đều có chính điện, hậu điện, tam quan, sân vườn và hành lang bao quanh. Điều đặc biệt là khảo cổ học ghi nhận dấu tích kiến trúc thời Lê lồng ghép phía trên kiến trúc thời Hồ – chứng tỏ di tích tiếp tục được sử dụng qua nhiều thế kỷ.
Khu nền Vua – nơi ở của Hoàng gia là một cụm kiến trúc liên hoàn: nền móng cung điện, hành lang, sân vườn, giếng nước, hệ thống thoát nước, gạch lát, đá phiến… Dân gian gọi đây là nền Vua, và khảo cổ học xác nhận chính là khu ở của hoàng gia triều Hồ. Cũng như các khu miếu, tầng kiến trúc chồng lớp thời Lê tại đây củng cố giá trị lịch sử liên tục của di tích.

Đôi rồng đá được phát lộ ngay thềm bậc lên chính điện – là hiện vật duy nhất còn tại chỗ. Dáng rồng mang phong cách riêng của thời Hồ, thể hiện sự tiếp nối truyền thống văn hóa từ thời Lý – Trần sang thời Hồ. Đây là điểm nhấn khảo cổ mang tính biểu tượng đặc biệt.
Tại núi An Tôn, cách thành 2km, khảo cổ học phát hiện dấu tích công trường khai thác đá cổ với nhiều phiến đá cùng loại dùng xây thành. Các lớp dăm đá và công cụ chế tác còn nguyên vẹn cho thấy sự tính toán khoa học và tiết kiệm tối đa vật lực trong xây dựng.

Từ các lớp khảo cổ, Thành Nhà Hồ hiện lên không chỉ là một di tích đá khô cứng, mà là một di sản sống động, từng là trung tâm quyền lực, lễ nghi và văn hóa trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Những phát hiện khảo cổ không chỉ xác lập vị trí và giá trị của Thành Nhà Hồ trong tiến trình văn minh Đại Việt, mà còn là nền tảng vững chắc để bảo tồn, phục dựng và phát huy di sản trong hiện tại và tương lai.
Nguồn: Báo Lao Động