Ngày 17/04/2025, Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hoá Việt Nam phối hợp cùng TikTok LIVE chính thức khởi động chương trình “Nét đẹp Việt mùa 3: Chạm vào di sản”, nhằm quảng bá văn hóa, di sản và thúc đẩy du lịch bền vững thông qua hình thức livestream sáng tạo ngay trên nền tảng TikTok.
Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hoá, Huế, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, nhiều chuyên gia và nhà sáng tạo nội dung TikTok.

Phát livestream quảng bá trực tiếp nét đẹp văn hoá, di sản và du lịch tại 5 tỉnh, thành phố Việt Nam
Là một sự kiện quảng bá du lịch thường niên của nền tảng TikTok, chương trình “Nét đẹp Việt mùa 3: Chạm vào di sản” năm nay không chỉ dừng lại ở vai trò là một chương trình livestream quy mô lớn, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và di sản Việt Nam thông qua khám phá các vùng đất kinh đô cổ xưa, mà còn đặt mục tiêu truyền cảm hứng để người tham gia sáng tạo những nội dung mới mẻ và độc đáo, là cầu nối hiệu quả để đưa những giá trị tinh hoa của di sản Việt Nam lan tỏa rộng rãi.
Thông qua sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nội dung giàu ý nghĩa, chương trình sẽ tạo cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tiếp cận và thấu hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hóa truyền thống.

Chương trình “Nét đẹp Việt mùa 3: Chạm vào di sản” tập trung vào chuỗi các hoạt động chính gồm: Sự kiện online dành cho các nhà sáng tạo nội dung LIVE để chia sẻ, lan tỏa những điều tự hào về di sản Việt Nam (từ 12-18.5), đồng thời tìm ra các khách mời cùng tham gia chương trình offline trong tháng 6.
Từ 1-10.6, chương trình sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thực tế tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa và Huế. Toàn bộ hành trình sẽ được phát trực tiếp trên TikTok, đưa người xem khám phá các đặc điểm nổi bật của từng địa phương – từ di sản kiến trúc, văn hóa truyền thống cho đến tinh hoa ẩm thực vùng miền.
Đồng hành cùng chương trình là các nhà sáng tạo nội dung nổi bật của mảng livestream trên TikTok như: Lý Thế Hương, Dung Hoàng Phạm, Minh Thắng, K-ICM, Mạnh Tiến Khôi… Thông qua hình thức livestream tương tác, các nhà sáng tạo nội dung tham gia chương trình sẽ giúp đưa vẻ đẹp di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam, thúc đẩy du lịch phát triển.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi tin rằng công nghệ có thể giúp làm mới cách cảm nhận về di sản, biến những giá trị văn hóa tưởng chừng xa xôi trở nên gần gũi hơn với người trẻ, trở thành cây cầu kết nối cảm xúc – đưa người xem không chỉ thấy mà còn thật sự chạm vào di sản”.
Lan tỏa du lịch bền vững gắn với bảo tồn
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam chia sẻ: “Với sự phát triển của công nghệ và những nền tảng tính năng phát trực tuyến như TikTok LIVE, việc đưa di sản văn hóa của các điểm đến du lịch đến gần hơn với mọi người không chỉ trở nên khả thi mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để khám phá, học hỏi và trải nghiệm. Mỗi chiếc điện thoại thông minh trên tay mỗi người không chỉ là công cụ giải trí, mà còn là ‘cửa sổ’ mở ra thế giới. Qua đó, chúng ta có thể tiếp cận và cảm nhận di sản văn hóa một cách chân thực, đồng thời tạo ra cầu nối mạnh mẽ để duy trì, chia sẻ và lan tỏa những giá trị văn hoá quý báu.”
Cũng trong khuôn khổ chương trình, kiến trúc sư Trần Trung Hiếu (Hội Di sản Văn hoá Việt Nam), ông Nguyễn Lâm Thanh (Đại diện TikTok Việt Nam), nhà báo Káp Thành Long (Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã cùng chia sẻ góc nhìn về chủ đề thú vị “Du lịch bền vững cùng giá trị di sản Việt”, cùng thảo luận về các nội dung như: Tiềm năng của du lịch bền vững dựa trên di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam; Du lịch gắn với di sản có thể tạo tác động gì đến nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di sản; Làm thế nào để các di sản ít được chú ý có thể trở thành điểm đến thu hút du khách; Vai trò của nội dung trực tuyến, video trải nghiệm và mạng xã hội trong việc định hình xu hướng du lịch hướng đến giá trị văn hóa; Làm thế nào để kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế du lịch một cách cân bằng…

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được đưa vào chương trình như những công cụ giúp tạo ra trải nghiệm di sản sống động và cá nhân hóa. Những giá trị vốn nằm yên trong các tháp cổ, mái đình hay ký ức cộng đồng giờ đây có thể hiện hữu ngay trên màn hình điện thoại, một hình thức tiếp cận mới mang tính tương tác cao và phù hợp với giới trẻ.