Kết nối văn hóa, để du lịch miền Trung bứt phá

Việc đẩy mạnh kết nối du lịch và văn hóa giữa các tỉnh miền Trung đã trở thành một đòi hỏi tất yếu nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Liên kết biển để phát triển du lịch là hướng đi mới, khả thi của các tỉnh miền Trung. ẢNH: NGUYỄN TRẦN ANH PHONG

Những mô hình liên kết tiêu biểu

Miền Trung sở hữu hàng loạt điểm đến nổi tiếng, từ di sản thế giới như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, cho đến những bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), hay những vịnh biển hấp dẫn như vịnh Lăng Cô, vịnh Xuân Đài… Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, bài chòi, lễ hội Cầu Ngư, cùng hàng trăm lễ hội dân gian đặc sắc cũng tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, cuốn hút.

Nằm giữa hai miền Bắc – Nam, miền Trung được thừa hưởng giao thoa văn hóa của cả hai vùng, và chính sự dung hòa này khiến văn hóa miền Trung trở nên đa tầng, đầy màu sắc. Từ nghệ thuật kiến trúc của triều Nguyễn ở Huế, không gian phố cổ Hội An, đến âm hưởng Chăm-pa còn in đậm ở Thánh địa Mỹ Sơn, tất cả góp phần tạo nên bản sắc riêng cho vùng.

Kinh thành Huế – điểm nhấn trong chuỗi liên kết du lịch di sản Huế – Đà Nẵng – Hội An. ẢNH: NGUYỄN TRẦN ANH PHONG

Đây cũng là “nguyên liệu” quý giá để các địa phương hợp tác, xây dựng những gói sản phẩm du lịch liên vùng, thay vì phát triển rời rạc, manh mún. Và thực tế thì những năm gần đây, các tỉnh miền Trung đã nhận thức rõ tiềm năng và cố gắng đẩy mạnh liên kết.

Nhiều chương trình xúc tiến du lịch chung được tổ chức, như diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; hội thảo kết nối di sản văn hóa Huế – Hội An – Mỹ Sơn; hoặc gói tour “1 hành trình – 3 điểm đến” do doanh nghiệp lữ hành triển khai. Qua đó, du khách trong nước và quốc tế có thể khám phá hành trình liên hoàn: Huế cổ kính, Hội An thơ mộng, Mỹ Sơn huyền bí và các bãi biển đẹp trải dài suốt dải duyên hải Trung Bộ.

Trong đó, liên kết du lịch di sản Huế – Đà Nẵng – Hội An là kết nối thành công nhất hiện nay. Du khách đến Huế có thể ghé Đà Nẵng chỉ trong vài giờ qua hầm Hải Vân, sau đó tiếp tục hành trình đến Hội An, Cù Lao Chàm. Các địa phương thường phối hợp tổ chức tour chung, các chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch, đồng thời trao đổi thông tin, dữ liệu về thị trường khách. Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) và Festival Huế cũng tạo dòng khách tương tác giữa hai đô thị giàu văn hóa này.

Tiếp đến là hành trình “Con đường Di sản miền Trung”. Trước đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam từng khởi xướng tuyến du lịch “Con đường Di sản” nối Huế – Hội An – Mỹ Sơn – Phong Nha – Kẻ Bàng, nhằm giúp du khách quốc tế và nội địa khám phá một loạt các giá trị di sản thế giới. Mô hình này vẫn đang được nhắc lại và điều chỉnh cho phù hợp với hạ tầng giao thông ngày nay, khuyến khích doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour trọn gói.

Vẫn còn nhiều thách thức

Dù đã có những mô hình tiêu biểu, nhưng liên kết của các tỉnh miền Trung vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên là hạ tầng liên vùng chưa hoàn chỉnh, các tuyến cao tốc vẫn chưa liên kết thông suốt từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; nhiều cảng biển, sân bay chưa đáp ứng đủ công suất mùa cao điểm, dẫn đến hành trình di chuyển tốn thời gian. Đến nay, các tỉnh miền Trung vẫn chưa có cơ chế phối hợp chính sách hiệu quả. Điều này khiến phần lớn các dự án liên kết du lịch – văn hóa chỉ dừng ở mức “ký kết hợp tác” hoặc “hội thảo”, mà chưa thực sự triển khai. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch của nhiều địa phương phát triển theo hướng “mạnh ai nấy làm”, thiếu đồng bộ trong quảng bá và xây dựng thương hiệu vùng miền. Mỗi địa phương đều muốn tạo dấu ấn riêng, nhưng chưa hợp tác sâu để chia sẻ nguồn khách, dữ liệu thị trường và xây dựng các tour trải nghiệm đa dạng xuyên suốt cả vùng.

Để miền Trung thực sự bứt phá trong liên kết du lịch – văn hóa, các địa phương cần cùng nhau có những giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là hoàn thiện hạ tầng giao thông bằng cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cấp các tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua miền Trung, mở rộng các sân bay chiến lược như Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài. Phát triển cảng biển phục vụ du thuyền quốc tế để đón khách tàu biển. Có như vậy, tour liên vùng mới thuận lợi, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch.

Bên cạnh quy hoạch riêng của từng tỉnh, cần có quy hoạch liên kết để tránh trùng lặp sản phẩm, lãng phí nguồn lực. Các tỉnh nên chung tay xây dựng một thương hiệu chung, ví dụ “Miền Trung – dải đất di sản”, có chung hình ảnh, slogan và chiến lược quảng bá quốc tế. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp du lịch lớn, cả nội địa lẫn quốc tế, đồng hành trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các khu resort, công viên giải trí, bảo tàng tương tác hiện đại. Song song là các chính sách ưu đãi cụ thể, vừa bảo đảm lợi ích kinh doanh, vừa gìn giữ di sản văn hóa – thiên nhiên.

Có thể nói, tương lai của miền Trung phụ thuộc vào cách các tỉnh chung tay xây dựng một không gian văn hóa – du lịch thống nhất, vừa đậm đà bản sắc, vừa bền vững. Nếu các địa phương phối hợp chặt chẽ, cùng chia sẻ lợi ích, mời gọi sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, thì miền Trung sẽ không chỉ là “trái tim” địa lý nối hai đầu đất nước, mà còn trở thành điểm sáng về phát triển du lịch và giao lưu văn hóa trong khu vực. Trên hết, đó còn là con đường để người dân miền Trung vững bước thoát nghèo, vươn lên khẳng định vai trò quan trọng trong bức tranh chung của nền kinh tế – xã hội Việt Nam.

Nguồn: Báo Lao Động

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button