Giữ màu dân tộc trên tranh Đông Hồ

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, tranh dân gian Đông Hồ vẫn có sức sống riêng, được treo ở vị trí trang trọng trong nhiều căn nhà của người Việt, được du khách nước ngoài ưa chuộng.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả. Ảnh: Huyền Chi

Lưu giữ nét độc đáo của tranh Đông Hồ

Về thăm làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có thể dễ dàng bắt gặp cảnh Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng các gia đình nghệ nhân miệt mài vẽ, khắc tranh. Cùng với sự lan tỏa của MV “Bắc Bling” về tỉnh Bắc Ninh, nhiều người dân tìm về làng tranh Đông Hồ để chiêm ngưỡng bộ tranh Tố Nữ tứ bình được Hòa Minzy khắc họa trong MV.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả chia sẻ, khi xem MV “Bắc Bling”, ông nhận ra ngay cảnh quay Hòa Minzy tái hiện tranh Tố Nữ. Ông cho rằng, MV ca nhạc là cách tiếp cận thú vị giúp lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến công chúng. Bởi lẽ, khác với các dòng tranh dân gian khác, tranh Đông Hồ có những điểm đặc biệt rất riêng, đó là sử dụng toàn bộ chất liệu thiên nhiên để làm tranh.

Tranh Đông Hồ sử dụng 5 màu sắc cơ bản: Màu đỏ nghiền từ viên sỏi son lấy trên đồi, núi; màu xanh lấy từ lá tràm; màu vàng từ hoa hòe, hoa dành dành; màu trắng từ mai con điệp; màu đen từ rơm, tro của rơm, lá tre. Để chế tác được màu vẽ từ những nguyên liệu này, cần trải qua những công đoạn tỉ mỉ, công phu.

“Sau hơn 50 năm làm nghề, các sản phẩm tranh Đông Hồ vẫn được chúng tôi làm thủ công, không vận dụng công nghệ hiện đại. Giá trị văn hóa đích thực của tranh Đông Hồ đến từ bàn tay tỉ mẩn, sự nhiệt huyết của nghệ nhân. Tranh Đông Hồ có thế mạnh riêng, có bề dày truyền thống văn hóa, như câu thơ Hoàng Cầm từng viết, “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Tranh Đông Hồ mang nhiều nội dung, thể hiện niềm mơ ước, khát khao của người dân. Vì vậy, tranh Đông Hồ dễ đi vào lòng người, dễ chơi, dễ hiểu. Giá thành của tranh cũng bình dân, giá một bức nhỏ chỉ khoảng 50.000 – 100.000 đồng.

Nỗ lực bảo tồn giấy điệp, mực mài

Qua thời gian, tranh dân gian Đông Hồ liên tục thay đổi, mở rộng về nội dung, đáp ứng được nhiều chức năng xã hội khác nhau. Chẳng hạn, tranh thờ cúng đáp ứng nhu cầu tâm linh (Ngũ hổ, Bạch hổ, Thập điện, Quan Âm, Phật Tổ); tranh lịch sử giáo dục truyền thống, ca ngợi anh hùng dân tộc (Phù Đổng Thiên Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Quang Trung); tranh chúc tụng đáp ứng nhu cầu hướng tới những điều may mắn, tốt lành (Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Gà đàn, Lợn đàn); tranh sinh hoạt phản ánh phong tục, tập quán, lễ hội, cuộc sống thường ngày của người dân (Đấu vật, Đu Xuân, Đám cưới chuột); tranh phong cảnh ca ngợi thiên nhiên (Mai – Lan – Cúc – Trúc, Xuân – Hạ – Thu – Đông, tranh Tố Nữ)…

Trên thực tế, tại làng Đông Hồ, nhiều người dân đã chuyển sang sản xuất hàng mã và các nghề khác, khiến nghề tranh dân gian đối mặt nhiều khó khăn.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả cho biết, có nhiều bạn trẻ đến nghiên cứu, học nghề hàng năm nhưng số người bám trụ với nghề lại ít. Những người học nghề và sống được với nghề chủ yếu là thế hệ kế cận trong các gia đình có nghệ nhân lành nghề.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Quả cho rằng việc kế thừa nghề làm tranh đòi hỏi nhiều yếu tố: “Trước hết, người theo nghề phải yêu thích và hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống, đồng thời có nền tảng kiến thức vững chắc. Bên cạnh đó, họ cần có tư liệu, dụng cụ sản xuất và mẫu mã để đầu tư cho một phòng tranh. Hiện nay, việc trang bị cho một cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ riêng chi phí đầu tư 50 bộ ván làm tranh đã là một thách thức, chưa kể đến giấy in, nguyên liệu mài mực vẽ và nhiều dụng cụ khác. Đặc biệt, ngay cả khi có đủ vốn đầu tư, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để đảm bảo sinh kế cho nghệ nhân vẫn là một bài toán nan giải”.

PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – nhận định, tranh dân gian Đông Hồ gặp nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh với sản phẩm thương mại, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi. Bà đề xuất một số giải pháp bảo tồn tranh Đông Hồ như sáng tạo và kết hợp với các yếu tố hiện đại; tăng cường hợp tác quốc tế để đưa tranh đến các bảo tàng, triển lãm, hội thảo.

Nguồn: Báo Lao Động

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button