Tư liệu về Áo dài Việt Nam

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Giới thiệu

Áo dài là truyền thống, áo dài là văn hóa, là quê hương Việt Nam, là một hằng số để góp phần định vị vẻ đẹp riêng có của người Việt giữa thế giới hội nhập rộng lớn.

Từ áo dài đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford. Áo dài gắn liền với chiều dài lịch sử, trải qua bao đổi thay của xã hội và thời đại, chiếc áo dài vẫn luôn là biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của con người Việt Nam.

Với những giá trị đặc biệt của áo dài, hàng loạt các hoạt động chuẩn bị để ghi danh áo dài vào danh mục Di sản văn hoa phí vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO đã được tổ chức từ nhiều năm nay.

2. Lịch sử hình thành

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào có thể khẳng định chính xác chiếc áo dài ra đời từ khi nào.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng áo dài có lẽ có nguồn gốc xa xưa, bởi bóng dáng của chiếc áo dài đã xuất hiện qua những hình khắc người Việt cổ mặc áo xẻ hai tà tung bay trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cũng như các hiện vật khác thời Đông Sơn.

Hình bóng chiếc áo dài cũng có thể thấy trong trang phục của các Anh hùng liệt nữ Bà Trưng, Bà Triệu qua các bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng.

Bóng dáng áo dài cũng có thể thấy trong các bộ “mớ ba mớ bảy” nền nã của sân khấu chèo dân gian, xống áo đẹp đẽ của các liền chị quan họ hay trong trang phục đặc sắc của tượng Ngọc nữ chùa Dâu ở Bắc Ninh…

Vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, nguồn sử liệu sớm nhất ghi chép về sự xuất hiện của áo dài Việt Nam chỉ còn được lưu lại trong “Đại Nam thực lục tiền biên.”

Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) là người đầu tiên ban sắc dụ định hình hình thức của chiếc áo dài là quốc phục của dân Đàng Trong thời kỳ đó.

Với sắc dụ này, Nguyễn Vũ Vương ngầm mong muốn khẳng định độc lập và “quốc tính” riêng của Đàng Trong so với Đàng Ngoài sau gần 200 năm ly khai; để phân biệt người Việt với người các dân tộc khác. Từ đó mà ra đời chiếc áo dài giao lãnh hay còn gọi là áo dài đối lĩnh.

Áo được may từ bốn tấm vải, thân áo rộng dài, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, cổ áo gần giống áo với tứ thân, mặc phủ ngoài yếm lót cùng với váy đen và thắt lưng màu. Chiếc áo dài kiểu này nhanh chóng trở thành y phục của mọi tầng lớp xã hội.

Đến thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được nâng cấp thành áo ngũ thân gồm hai tà sau, hai tà trước và một tà váy ẩn dưới tà trước.

Áo ngũ thân chủ yếu dành cho giai cấp quý tộc để phân biệt với tầng lớp lao động mặc áo tứ thân.

Thời vua Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua xuống dụ chuẩn cho dân chúng sửa đổi, thống nhất y phục Bắc Nam và áo dài chính thức trở thành quốc phục trong cả nước.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiếc áo dài Việt Nam đã được chỉnh sửa, sàng lọc, hoàn thiện để từ chiếc áo dài tứ thân, ngũ thân biến thành tà áo dài “Le Mur.”

Đây là kiểu áo dài cách tân đầu tiên mà họa sỹ Cát Tường tung ra, lấy cảm hứng hoàn toàn từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen…

Áo chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, áo được may ôm sát cơ thể, tay thẳng và có viền nhỏ. Khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính, đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tươi sáng mặc kết hợp với quần trắng.

Sau đó, họa sỹ Lê Phổ cải tiến kiểu áo dài “Le Mur” theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống, vạt áo được may dài, tay không phồng, cổ kín, nút bên phải áo, may ôm sát cơ thể, kiểu áo dài này mặc với quần ống loe màu trắng, được phụ nữ Việt thời đó rất ưa chuộng.

Rồi áo dài tay Raglan xuất hiện vào năm 1960 do Nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Áo dài tay Raglan ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này…

Từ tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho thấy, lịch sử hình thành áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến thể trong phong cách sáng tạo, cách tân từ kiểu dáng đến chất liệu…

Điều này thể hiện sự giao thoa văn hóa của con người Việt Nam, hình thành văn hóa áo dài tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trang phục áo dài thành một biểu trưng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, Việt Nam chuyển sang giai đoạn đổi mới. Áo dài được cách tân với các phiên bản ngắn hơn, chất liệu nhẹ, nhiều màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết cây cỏ, hoa văn và hình học…

Dù trải qua một hành trình dài với nhiều biến đổi về kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách, nhưng áo dài Việt Nam vẫn giữ được sức hấp dẫn, phô bày được vẻ đẹp gợi cảm mà kín đáo của người phụ nữ mà vẫn giữ nguyên được hồn cốt, bản sắc Việt Nam…

II. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Miêu tả tổng quát

Áo dài là trang phục truyền thống hay còn được gọi là áo tân thời được cách tân theo hướng Tây hóa từ áo ngũ thân thập lĩnh. Người đã chọn và đặt tên cho áo ngũ thân thập lĩnh là chúa Nguyễn Phúc Khoát sau khi cải cách trang phục Đàng Trong vào năm 1974. Bên cạnh đó, người có công định hình áo dài tân thời như ngày nay là Họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường.

2. Phong cách

Cấu tạo áo dài: Cấu tạo áo dài được chia làm 5 phần bao gồm:

  • Cổ áo dài: cổ áo truyền thống cổ điển cao khoảng 4 đến 5 cm. Ngày nay cổ áo dài được biến tấu đa dạng hơn như: áo dài cổ tròn, cổ vuông, cổ thuyền, cổ trái tim, cổ chữ U, ngoài ra trên cổ áo còn đính thêm ngọc để tạo sự nổi bật.
  • Thân áo dài: được tính từ phần cổ áo đến phần eo. Các cúc áo dài thường từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống cho tới ngang hông. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. Ngay này kiểu áo cũng biến tấu đa dạng thành các kiểu áo dài 2 tà và áo dài 4 tà.
  • Tà áo dài: Áo dài thường có 2 tà, tà trước và tà sau, các kiểu áo dài xưa thì tà trước sẽ bằng tà sau nhưng ngày nay qua nhiều biến tấu và cải tiến có những kiểu áo tà trước ngắn hơn tà sau, hoặc áo dài sẽ có 4 tà gồm 2 tà trước và 2 tà sau hay nói một cách đơn giản là tà trước và tà sau mỗi tà gồm 2 lớp để cho áo có độ phồng, bồng bềnh giúp cho các nàng trong duyên dáng và uyển chuyển hơn.
  • Tay áo dài: tay áo truyền thống được tính từ vai được may sát với cánh tay, qua nhiều biến tấu cải tiến mẫu tay áo dài có nhiều kiểu dáng như: áo dài tay phồng, tay lỡ, tay loe, tay lững, tay ngắn, tay xẻ….
  • Quần áo dài: Quần áo dài được thay thế cho chiếc váy ngày xưa. Quần áo dài thường được may ống rộng, chấm gót. Ngày xưa chất liệu may quần áo dài thường may bằng vải cứng cáp, ngày nay với nhiều chất liệu hơn như vải lụa, vải gấm hay các loại vải mềm và rủ hơn. Màu sắc quần áo dài thường được chọn là quần màu trắng, nhưng hiện tại trang phục áo dài có nhiều tông màu khác nhau để phù hợp hơn với màu của áo. Ngày nay trang phục còn được cách tân phối cùng chiếc chân váy dài tạo vẻ dịu dàng, thanh lịch.
Cấu tạo của áo dài Việt Nam

Áo dài truyền thống Việt Nam qua từng thời kỳ

Áo dài từ lâu đã trở thành bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Không những là quốc phục, áo dài chứa đựng một bề dày lịch sử, văn hoá, những quan niệm thẩm mỹ và thể hiện bản sắc văn hoá của dân tộc ta. Chiếc áo dài đã được rất nhiều đại diện sắc đẹp Việt lựa chọn là trang phục trong các chương trình, lễ hội lớn nhằm tôn vinh giá trị cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá. Cùng điểm những mẫu áo dài đẹp trong từng thời kỳ của Việt Nam nhé.

Áo dài giao lãnh: Đầu tiên, phải kể đến “Áo dài giao lãnh” xuất hiện trong giai đoạn đất nước ta bị chia cách thành hai đàng. Đây là loại trang phục có thiết kế rộng với hai đường xẻ bên hông hay còn gọi là tà, dài tay và cổ tay cũng được may khá rộng. Thân áo có chiều dài đến chấm gót chân và được may bằng bốn tấm vải, mặc phủ ngoài yếm lót, kết hợp cùng thắt lưng màu và váy đen.

Áo giao lãnh có kiểu cổ áo gần giống với áo tứ thân tuy nhiên phần vạt áo phía trước không cần buộc giống áo tứ thân. Dù chỉ mang hình dáng sơ khai của áo dài nhưng vẫn cảm nhận được những nét duyên dáng, nhẹ nhàng của loại trang phục này.

Áo dài tứ thân: Tiếp theo là sự ra đời của “Áo tứ thân” vào thế kỷ XVIII, được biến tấu từ áo dài giao lãnh.Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, để tiện hơn trong việc lao động sản xuất của người phụ nữ, chiếc áo giao lãnh cũ được may rời 2 tà trước để buộc lại với nhau, thông xuống thành 2 tà áo ở giữa, 2 tà sau may liền lại thành vạt áo. Kết hợp quen thuộc đi cùng chiếc áo tứ thân là chiếc yếm, khăn mỏ quạ hay nón quai thao.

Loại áo này so với áo giao lãnh chưa thực sự biến đổi nhiều, thường được may màu tối nhưng vẫn mang đến cảm giác mộc mạc, nhẹ nhàng, khiêm tốn cho người mặc.

Áo dài ngũ thân: Áo dài ngũ thân là sự tiếp nối của áo tứ thân, xuất hiện trong giai đoạn trị vì của vua Gia Long ở thế kỷ 19. Có thiết kế dựa trên áo dài tứ thân với 4 vạt được may thành 2 tà trước và 2 tà sau, phom áo rộng, có cổ và cực kỳ thịnh hành đến đầu thế kỷ XX.

Điểm khác biệt duy nhất là trang phục này được may thêm vạt áo thứ năm giống như mảnh áo lót kín đáo vừa thể hiện nét tinh tế vừa khiêm nhường của người mặc. Sự thay đổi này nhằm phân biệt tầng lớp quý tộc và tầng lớp lao động nghèo, chứng tỏ sự khác biệt về địa vị và giai cấp xã hội thời đó.

Áo dài Lemur: Vào năm 1939, kiểu áo dài cách tân đầu tiên ra đời với tên gọi “Áo dài Lemur”, được cải biến từ áo ngũ thân do hoạ sĩ Cát Tường sáng tạo và đặt theo tên tiếng Pháp của bà. Khác với phom dáng truyền thống, áo có 2 vạt trước và sau, được may ôm sát theo những đường cong của cơ thể, tôn lên vẻ thướt tha, yêu kiều đầy quyến rũ của người phụ nữ.

Các chi tiết tay phồng, cổ khoét trái tim được lấy cảm hứng từ chiếc váy tay phồng của phương Tây làm cho áo dài Lemur càng thêm phần thời thượng. Để tăng thêm nét nữ tính, hàng nút phía trước được mở sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn.

Áo dài Lê Phổ: Là sự kết hợp giữa áo tứ thân và áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ được hoạ sĩ Lê Phổ thiết kế thành một bộ trang phục tinh tế và thu hút hơn bởi những đường cong bó thanh mảnh, trẻ trung và mới mẻ.

Áo dài Lê Phổ đã loại bỏ hết những yếu tố phương Tây không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt mà chiếc áo dài Lemur đem đến. Vạt áo được may dài và ôm sát cơ thể, tay không phồng, cổ kín với hàng khuy áo bên phải, thể hiện phong cách Việt Nam áo dài riêng biệt. Kiểu áo này đã trở nên vô cùng phổ biến vào những năm 50, được phụ nữ Việt ưa thích suốt thời gian dài.

Áo dài Raglan: Hình thái tiếp theo là “Áo dài Raglan”, hay còn gọi là áo dài ráp-lăng, xuất hiện năm 1960 được thiết kế bởi nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn.

Áo dài Raglan được may ôm khít vừa vặn cơ thể kết hợp cùng cách nối tay từ vị trí cổ chéo xuống. Hai tà áo dài nối với nhau bằng một hàng nút và lược bỏ đi phần đường nhăn ở nách áo làm trang phục trở nên tinh tế hơn. Thiết kế này vừa làm giảm thiểu nếp nhăn ở nách, đồng thời giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Đây là tiền đề cho phong cách áo dài sau này.

Áo dài Trần Lệ Xuân: Trong thập niên 60, áo dài thêm một lần nữa thay đổi với kiểu dáng quyến rũ hơn, được gọi là áo dài bà Nhu. Trần Lệ Xuân – Đệ Nhất Phu Nhân nước Việt Nam Cộng Hòa là người đã thiết ra kiểu áo dài này, bỏ đi phần cổ áo gọi là áo dài cổ thuyền. Ban đầu, thiết kế này bị phản đối rất nhiều vì không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, song sau này lại được ưa chuộng bởi sự đơn giản, thoải mái mà tinh tế.

Áo dài truyền thống Việt Nam từ năm 1970 đến nay: Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, chiếc áo dài truyền thống Việt Nam chính thức ra đời những năm 1970 và được lưu giữ đến hiện tại. Áo dài đã trở thành quốc phục, thừa kế những nét tinh hoa nhất từ lịch sử hình thành và phát triển, đồng thời thể hiện nét văn hoá, truyền thống của người Việt.

Áo dài cách tân xuất hiện từ năm 2017: Dẫu cho có những sự biến đổi về kiểu dáng từ kín đáo cho đến hiện đại, phá cách, tà áo dài truyền thống vẫn giữ được nét đẹp đậm đà, khí chất riêng biệt mà không trang phục nào mang lại được. Vẫn giữ phom dáng ôm sát theo đường cong quyến rũ của người phụ nữ, áo dài cách tân ngày nay được thiết kế với kiểu dáng cách tân hiện đại. Cũng chính bởi sự cách điệu mới mẻ, độc đáo mà áo dài ngày càng được hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của người phụ nữ Việt.

III. GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Áo dài là loại trang phục mang truyền thống và bản sắc của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, với sự phát triển, cách tân và thay đổi qua các thời kỳ theo hướng đẹp hơn và tiện dụng hơn trong đời sống hàng ngày. Ngày nay, áo dài được xem như là quốc phục của Việt Nam.

Áo dài chứa đựng những ý nghĩa truyền thống sâu sắc, là trang phục chiếm trọn niềm tự hào và trái tim người Việt. Mặc cho trải qua bao nhiêu ngàn năm, văn hoá Việt vẫn không bị mai một và được lưu giữ giá trị qua chiếc áo dài – trang phục mang nét quyến rũ mà kín đáo, thanh lịch, không hề lẫn với các nền văn hoá khác.

Áo dài Việt Nam còn là một trang phục không thể thiếu trong các cuộc thi hoa hậu, những dịp lễ Tết, những sự kiện quan trọng, những dịp đi chơi, vãn cảnh chùa chiền hay đi lễ ở nhà thờ… Áo dài cũng được coi là một sự kiện trình diễn trong những dịp giới thiệu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, được xem là một yếu tố thu hút trong ngành công nghiệp du lịch. Đặc biệt trong lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt, áo dài cưới của cô dâu được chú trọng.

Cùng với sự phổ biến của áo dài và với đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao của người dân, áo dài không chỉ là bộ trang phục đại diện cho nền văn hóa truyền thống, là di sản văn hóa của nhiều thế hệ, mà còn là cảm hứng sáng tác không dứt của văn hóa nghệ thuật, thời trang Việt Nam. Áo dài đi vào các nghệ thuật như nhiếp ảnh, hội họa với nhiều nghệ sĩ thành danh nhờ chụp ảnh hay vẽ về chiếc áo dài. Áo dài được văn chương dành cho nhiều lời ca tụng. Áo dài đi vào âm nhạc với nhiều bài hát vinh danh. Áo dài xuất hiện nhiều trên phim ảnh, truyền hình. Áo dài cũng trở thành sự sáng tạo và cách tân không bao giờ dứt của nền công nghiệp thời trang Việt Nam, với những chi tiết từ đơn giản đến cầu kỳ, phức tạp, trên mọi chất liệu như lụa tổng hợp, lụa tơ tằm, nhung, gấm… từ thêu tay đến đính các loại đá, cườm, kim sa, vẽ… Có những nhà tạo mẫu đã thành danh nhờ chiếc áo dài như các nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Minh Hạnh, Đức Hùng, La Hằng, Đỗ Trịnh Hoài Nam…

Áo dài Việt Nam kể cả của nam và nữ, sau khi trải qua một thời gian dài hình thành, phát triển và hoàn thiện, cho đến nay về cơ bản đã định hình. Áo dài thường được so sánh với những trang phục truyền thống của các dân tộc khác và được bạn bè quốc tế thừa nhận như là quốc phục của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở tầm mức của một trang phục truyền thống tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, áo dài đã trở thành một biểu tượng văn hóa, mang trọn văn minh vật chất cũng như tinh thần của người Việt. Khi mặc áo dài, không chỉ đơn thuần là mặc một trang phục đẹp, trang trọng, mà áo dài còn là lời nhắc nhở mỗi người mặc rằng chúng ta là con dân đất Việt, mang trên người nét đẹp của văn hóa Việt.

IV. TƯ LIỆU

Back to top button