Giữa cái nắng đầu hè bỏng rát miền Tây Bắc, một lễ hội dân gian vẫn đều đặn diễn ra mỗi năm ở Hòa Bình, như một lời nhắn nhủ đầy yêu thương giữa con người với mẹ thiên nhiên.

Ở xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình), cứ đến tháng Ba Âm lịch, đồng bào Mường lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội đánh cá suối tháng Ba, một tập tục lâu đời được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lễ hội độc đáo xứ Mường
Người dân Lỗ Sơn không ai nhớ chính xác lễ hội có từ khi nào. Chỉ biết rằng, vào tầm cuối tháng Ba Âm lịch, khi vụ chiêm Xuân đã cơ bản hoàn tất, lúa non bắt đầu bén rễ, cũng là lúc các xóm, bản lại tất bật chuẩn bị chài, lưới, tre nứa làm bè để xuống suối Cái đánh cá. Từ khi còn là lễ hội dân gian nhỏ mang tính cộng đồng, cho đến nay – khi đã được phục dựng và tổ chức định kỳ từ năm 2000 – lễ hội vẫn giữ nguyên nét truyền thống, đậm đà bản sắc người Mường xứ Bi.
Dòng suối Cái ngăn đôi các khu dân cư Mường T’Ló (tên gọi theo tiếng Mường của xã Lỗ Sơn), nước mát lành chảy từ dãy Trường Sơn về, quanh năm róc rách. Lễ hội đánh cá thường kéo dài trong hai ngày, gồm phần lễ và phần hội. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 19 – 20.4 Dương lịch (tức ngày 22 – 23.3 Âm lịch), thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương.
Phần lễ diễn ra trang nghiêm tại miếu thờ Khoang Lở, thuộc xóm Tân Lập, xã Lỗ Sơn. Tại đây thầy mo cúng thần linh, thổ địa, hà bá, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân mạnh khỏe.
Ông Bùi Văn Eọ, nghệ nhân mo Mường ở xóm Tân Lập, chia sẻ: “Người Mường quan niệm sau khi cấy xong là lúc cây lúa đã bén rễ, trời đất chuyển mùa. Tổ chức đánh cá tập thể cũng là cách để cảm tạ thần linh, chọn những con cá to, khỏe nhất dâng lên cúng miếu. Vừa là nghi lễ tâm linh, vừa là dịp hội hè chan hòa tình làng nghĩa xóm”.
Không khí phần hội lại hoàn toàn trái ngược với vẻ trang nghiêm ban đầu. Từ giữa trưa, hàng trăm người dân đã vây kín hai bên bờ suối Cái, nơi những chiếc bè tre, mảng gỗ được thả xuống, các “tay chài” bắt đầu trổ tài. Giữa cái nắng hơn 38 độ C, từng mẻ lưới tung ra trong tiếng reo hò vang cả một vùng. Người bắt được nhiều cá thì vui mừng khoe chiến lợi phẩm. Người tay trắng cũng chẳng buồn, vì lễ hội này là để quây quần, để náo nhiệt, để yêu thêm bản làng và thiên nhiên quê hương.
Chị Bùi Thị Liên, người dân xã Lỗ Sơn, sau Tết đã xa gia đình đi làm ăn xa. Dịp này, chị xin nghỉ làm để về tham gia ngày hội của quê hương. Chị Liên chia sẻ, tuổi thơ của chị đã gắn liền với suối Cái. Gọi là suối nhưng nước luôn dồi dào, có nhiều đoạn suối rộng, sâu thường được gọi là khoang. Đây là nơi có nhiều cá to nhất dòng suối nên phải những người có tài chài lưới mới bắt được cá.
“Thi bắt cá cũng là dịp để mọi người thể hiện sự khéo léo, tài giỏi. Lễ hội mỗi năm chỉ có một lần, không đi xem thì tiếc lắm. Do đó dù đi xa chúng tôi cũng trở về quê để hòa vào lễ hội”, chị Liên kể.
Mặc dù không phải người dân xã Lỗ Sơn, ông Bùi Văn Biển (70 tuổi), xã Gia Mô, huyện Tân Lạc cũng gắn bó với công việc chài lưới trên dòng suối Cái. Nơi sinh sống của gia đình ông Biển có dòng suối chảy qua quanh năm, việc đi quăng chài, thả lưới bắt cá không chỉ giúp gia đình cải thiện bữa ăn, mà còn là đam mê.
Ông Biển cho biết, khi còn có sức khỏe, ông đăng ký tham gia thi đánh bắt cá tại Khoang Lở. Vài năm nay, sức khỏe không còn được như trước nhưng ông vẫn về vui hội.
“Tôm, cá của suối Cái đã nổi tiếng thơm ngon. Những năm gần đây, có những người lén lút dùng xung điện, hay nổ mìn để bắt cá. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cá trong tự nhiên. Việc tổ chức lễ hội như là dịp để nhắc nhở mọi người chung tay ngăn chặn những hành vi đó”, ông Biển chia sẻ.
Ông Bùi Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn – cho biết, ngoài thi đánh bắt cá, trong khuôn khổ của lễ hội còn có giải bóng chuyền được bà con chờ đợi. Có năm còn tổ chức cả thi hát đối Mường, ai đối hay, hát giỏi thì được mời rượu cần, mừng công luôn tại sân. Những hoạt động đó giúp bà con thư giãn, gắn kết cộng đồng, giữ gìn những nét đẹp truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Thông điệp về bảo vệ môi trường
Không chỉ là lễ hội dân gian, đánh cá suối tháng Ba còn mang theo những thông điệp lớn lao về trách nhiệm bảo vệ môi trường và giữ gìn tài nguyên bản địa. Người Mường không dùng kích điện, thuốc độc hay công cụ hủy hoại hệ sinh thái. Những tấm lưới thô sơ, cách đánh cá truyền thống chính là minh chứng cho sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
Bà Bùi Thị Chọn, người cao tuổi ở xóm Tân Lập, xã Lỗ Sơn cho rằng, nhờ tổ chức lễ hội mà tình trạng sử dụng các hình thức khai thác tận diệt tôm, cá đã giảm hẳn. Ngoài ra, tận dụng diện tích mặt nước của suối Cái, nhiều hộ dân đã phát triển nghề nuôi cá lồng. Nhờ đó cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Gắn với lễ hội còn là những gian hàng ẩm thực truyền thống được bày bán dọc bên bờ suối Cái. Du khách đến đây có thể thưởng thức cá nướng tre, thịt lợn cắp nách, cơm lam, rượu cần và các món ăn dân dã đặc trưng xứ Mường. Bà con trong bản tận dụng dịp lễ để bán nông sản nhà làm như mật ong, rau rừng, măng khô, đệm bông gạo… để nâng cao thu nhập.
Không ít du khách phương xa sau khi tham dự lễ hội đã quay lại huyện Tân Lạc để trải nghiệm cuộc sống bản làng, khám phá thiên nhiên.
Anh Nguyễn Văn Tình, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia lễ hội này. Tôi ấn tượng vì dòng suối trong xanh, mát lành. Đặc biệt là các phần thi đánh bắt cá, chèo bè mảng rất độc đáo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được thưởng thức các món đặc sản của xứ Mường, rất ngon và hấp dẫn”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc – Bùi Văn Tinh, những năm qua, địa phương rất quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Trong đó, có các lễ hội truyền thống, như Lễ hội đánh cá suối tháng Ba xã Lỗ Sơn.
Lễ hội nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể quý giá, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường sinh thái. Đây cũng là định hướng để gắn với phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương trong tương lai.
Giữa những náo nhiệt của nhịp sống hiện đại, Lễ hội đánh cá suối tháng Ba như một nốt nhạc thanh vang lên từ lòng núi rừng Tân Lạc. Đó không chỉ là ngày hội của riêng người Mường mà còn là không gian để con người tìm về cội nguồn, học cách sống hài hòa với thiên nhiên và trân trọng từng dòng suối, từng bữa ăn giản dị đến từ Đất Mẹ.
Nguồn: Báo Lao Động