Văn hóa vùng Đông Bắc: Giai điệu hòa tấu đặc sắc của thiên nhiên và con người

Vùng Đông Bắc hiện lên với những cung đường ẩn mình trên dãy núi cao hùng vĩ hay ngôi nhà sàn nhỏ xinh mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao cho thấy những nét đặc sắc rất riêng.

Những hình ảnh đặc sắc về văn hoá Đông Bắc được thể hiện trong video clip “Văn hóa Đông Bắc: Giai điệu hòa tấu đặc sắc của thiên nhiên và con người” do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện, là một sản phẩm nằm trong nhiệm vụ “Sản xuất video clip hỗ trợ tuyên truyền quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Người xem được hoà mình vào hành trình du lịch vùng Đông Bắc với những thắng cảnh non cao hùng vĩ, thửa ruộng bậc thang xanh mướt và lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa của người dân bản địa và nhiều món ăn đặc sắc mang hương vị núi rừng.

Nằm trên đường biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia. Khi thời tiết vào thu, dòng sông Quây Sơn mang màu xanh ngọc bích đẹp mắt nối tiếp nhau tung bọt trắng xóa tạo nên dòng Thác Bản Giốc với cảnh đẹp huyền ảo, say đắm lòng người.

Cùng với thác Bản Giốc, vùng Đông Bắc còn sở hữu nhiều cảnh sắc ngoạn mục như Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Hồ Na Hang, Thác Nậm Me, Bản Ba (Tuyên Quang), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Núi Mắt Thần, đèo Mã Phục (Cao Bằng), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Núi Mẫu Sơn, Chùa – Động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn)…

Trong lịch sử dân tộc, vùng Đông Bắc còn được biết đến là mảnh đất cội nguồn, là chiếc nôi của cách mạng với những địa chỉ đỏ lưu giữ nhiều di tích gắn với sự nghiệp cách mạng như: Hang Pác Bó (Cao Bằng), Tân Trào, Lán Nà Nưa, Đình Hồng Thái (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên) và các di tích gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông như Ải Chi Lăng (Lạng Sơn).

Mỗi mùa, vùng Đông Bắc lại khoác lên mình một vẻ đẹp rất riêng và mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách khi đến đây. Mùa xuân là thời điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn cảnh sắc với khung cảnh rực rỡ của hoa đào, hoa mận nở trắng các sườn đồi. Không khí se lạnh cùng những cơn mưa phùn nhẹ tạo nên vẻ đẹp mơ màng cho các cảnh quan. Đây cũng là mùa của nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, như hội Lồng Tồng, hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc, mang đến cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm văn hóa bản địa.

Hay vào mùa thu, khi tiết trời tràn ngập trong ánh nắng dịu dàng, những thửa ruộng bậc thang chín rộ mang sắc vàng quyến rũ sẵn sàng làm xiêu lòng bất kỳ du khách khi đến vùng đất diệu kỳ này.

Trải dài trên vùng đất có địa hình đa dạng, khu vực Đông Bắc là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Dìu, Lô Lô, Pà Thẻn… nên sở hữu nền văn hóa vô cùng đa dạng về ngôn ngữ, trang phục, lối sống, ngành nghề thủ công…

Năm 2019, Thực hành tín ngưỡng Then – một loại hình diễn xướng văn hoá dân gian của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh vùng Đông Bắc và được dùng trong sự kiện trọng đại, những dịp lễ, tết, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Tiếng hát then du dương hòa cùng giai điệu đàn tính vang vọng núi rừng như lời mời gọi du khách hãy đến thưởng ngoạn và hòa mình vào không gian thiên nhiên văn hóa đặc sắc của vùng Đông Bắc!

Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button