I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên di sản
Tranh dân gian Đông Hồ
2. Lịch sử hình thành
Nghề làm tranh Đông Hồ ra đời từ thế kỷ XVI. Đây là loại tranh khắc gỗ, in màu. Thông thường, một bức tranh có 5 màu thì có 5 bản khắc gỗ, in màu trước, in nét sau. Giấy in tranh được làm thủ công từ cây dó có nhiều ở huyện Yên Phong cùng tỉnh Bắc Ninh. Trước khi in, các nghệ nhân còn quét lên giấy một lớp điệp (làm từ vỏ con điệp mua ở Quảng Ninh) trộn với hồ nếp, tạo ra những vết chổi lá thông óng ánh vẩy điệp. Màu in tranh cũng được làm từ vật liệu tự nhiên. Màu đen từ than rơm nếp, lá tre; màu vàng từ hoa hòe; màu nâu từ đất đỏ; màu xanh từ lá chàm… Đề tài của tranh Đông Hồ rất gần gũi với cuộc sống thôn quê đồng bằng Bắc Bộ như con gà, con lợn, cảnh hứng dừa, đánh ghen, độc đáo hơn là đề tài “Đám cưới chuột”, “Thầy đồ cóc”…
Thời Pháp thuộc, các loại phẩm màu và giấy in được nhập vào nước ta, Đông Hồ có thêm loại tranh mới: In nét trên một loại giấy của Pháp mà dân ta quen gọi là giấy “manh” (tiếng Pháp là main, nghĩa là tập giấy) rồi tô phẩm màu – cũng được nhập từ nước ngoài. Sau đó ít lâu, Nhà máy giấy Đáp Cầu hoạt động, làng Đông Hồ đã dùng giấy được sản xuất ở đây làm tranh, khổ giấy lớn hơn, từ đó loại tranh bộ xuất hiện, mỗi bộ có bốn tờ, kích thước khoảng 40 x 140cm.
3. Vị trí
Làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
II. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Miêu tả tổng quát
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh Đông Hồ thường được phát hành vào dịp Tết nguyên đán, còn gọi là tranh Tết.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.
2. Đặc điểm nổi bật
Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới chế độ nửa thực dân nửa phong kiến, nền văn hóa nước ta có nhiều biến động. Trong các dịp lễ hội cổ truyền, bên cạnh các hoạt động rước rồng, múa lân, đấu vật, đánh đu… đã có các trò liếm chảo, leo cột mỡ… Nhiều tập quán bị xâm lấn, thậm chí bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại lai.
Trước tình cảnh ấy, các nghệ nhân Đông Hồ không đứng ngoài cuộc. Lấy đề tài ở hai bức tranh “Rước rồng” và “Múa lân”, lấy nhân vật ở hai bức “Đám cưới chuột” và “Thầy đồ cóc”, nghệ nhân Vương Ngọc Long đã sáng tác bức tranh “Cóc Tây múa kỳ lân” và “Chuột Tàu rước rồng vàng”, trên tranh có đề chữ quốc ngữ (tuy sai chính tả). Thoạt nhìn, những chú chuột, chú cóc, với các tư thế, động tác, mỗi con một vẻ, rất sinh động, ngộ nghĩnh, ta đã cảm nhận được không khí hội hè tưng bừng với tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hò reo náo động. Tuy nhiên, ở mỗi góc tranh ta thấy có lá cờ Tây, cờ Tàu và còn thêm dòng chữ “Cóc Tây múa kỳ lân”, “Chuột Tàu dước (rước) rồng vàng”. Nghĩa của từ “Cóc Tây”, theo Duran – nhà nghiên cứu folklo người Pháp, thời kỳ Hà Nội mới thuộc Pháp, có một lớp người đi ở cho Pháp, tiếng Pháp gọi là “cocher” (người đánh xe ngựa, người giúp việc nhà). Khi đó đàn ông Việt Nam phần lớn vẫn để tóc dài, búi tó, những người đi ở cho Pháp, theo ảnh hưởng phương Tây mà cắt tóc ngắn. Nhiều khi, dựa thế ông bà chủ, những người này có hành vi coi thường những người Việt đi ở khác…
Vào dịp Tết Trung thu, họ tập trung múa kỳ lân, sư tử trên phố, cạnh tranh với các nhóm múa khác làm huyên náo phố phường. Lớp người này được gọi là “Cóc Tây”. Còn “Chuột Tàu”? Cũng thời kỳ này, người Tàu ở Hà Nội khá đông, vào dịp Tết Trung thu, họ thường rước một con rồng rất lớn làm bằng giấy bồi và vải, họ đội đầu và thân rồng nhảy nhót cho rồng uốn khúc. Nét hài hước ở đây là những cái đuôi chuột rất dài – ám chỉ cái đuôi sam của người Tàu thời nhà Thanh bấy giờ (Maurice Durand – “Imagerie populaire Vietnamienne” – E’cole Française d’extrême – orient Paris – 1960). Về sau đôi tranh này cũng được “cắt ván” và in màu trên giấy dó quét điệp, chữ quốc ngữ được thay bằng chữ Nho.
Bên cạnh đó, còn có hai bức tranh “Văn minh tiến bộ toa tăng xương – Phong tục cải lương moa tăng phú” được in điệp. Tại thời điểm ra đời bức tranh này, thực dân Pháp đô hộ nước ta, xã hội có nhiều thay đổi. Nền văn minh phương Tây dần dần tác động tới làng quê Việt Nam. Xe tay được thay bằng xe đạp, ô tô; âu phục thế chỗ cho áo the, khăn xếp, áo mớ bảy mớ ba… Hẳn là khi sáng tác, các nghệ nhân không làm công việc của nhà dân tộc học là ghi lại những phong tục tập quán từng thời đại, nhưng tác phẩm của họ lại phản ánh một cách trung thực và tinh tế nhất nền văn hóa ở thời đại đó.
Với người nông dân Việt Nam, có khi cả đời không ra khỏi lũy tre làng thì những chiếc xe đạp, ô tô mà lần đầu tiên họ nhìn thấy có thể trở thành con ngoáo ộp (việc đó đã được miêu tả trong nhiều tác phẩm văn học). Ấy thế mà, ô tô, xe đạp rồi cả súng săn đã lên tranh Đông Hồ, để rồi được dán lên vách khắp các gia đình trong dịp Tết. Điều này chứng tỏ tác giả phải là người đi nhiều, biết rộng, có đầu óc cách tân. Về nghệ thuật, hai bức tranh này vẫn kế thừa truyền thống cổ, vẫn những màu sắc dân dã, đường nét khỏe khoắn, sinh động, đề tài hiện đại nhưng vẫn đậm chất dân gian.
Đặc biệt, trong tranh có một chú chó (chó săn), đây là chú chó duy nhất trong tranh Đông Hồ, trong khi tranh gà có tới 6 bức, tranh lợn có 3 bức. Tác giả đôi tranh này là cụ đồ Long, tức Vương Chí Long. Cùng thời với cụ Đám Giác, cụ đồ Long dạy chữ Nho nhưng biết cả tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, một số sáng tác sau này của cụ đề chữ quốc ngữ. Ngoài việc chữ nằm trong bố cục của bức tranh, ý nghĩa của những dòng chữ này còn gây hiệu quả độc đáo. “Văn minh tiến bộ toa tăng xương”: Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận. “Phong tục cải lương moa tăng phú”: Phong tục thay đổi, tôi cóc cần. Tiếng Tây bồi, viết bằng chữ Hán – thật thú vị. (Toa tăng xương = Toi attention, Moa tăng phú = Moi, je m’enfiche). Nếu đồng cảm với tác giả, bạn sẽ hình dung ra cảnh: Sau khi phẩy nét bút cuối cùng của dòng chữ nửa tây nửa ta hoàn thành tác phẩm, tác giả rít một điếu thuốc lào thật kêu, tựa lưng vào vách, ngắm đứa con tinh thần của mình qua làn khói thuốc… rồi bỗng vỗ đùi cười ha hả!
Cũng thời gian này còn có các đôi tranh ghi lại những thay đổi trong cuộc sống đời thường: “Đá bóng”, “Nhẩy đầm” của nghệ nhân Nguyễn Thể Thức; “Văn minh tiến bộ” của Phùng Đình Năng… Những đôi tranh này được in nét rồi tô màu bằng phẩm.
Ngày nay, trong khi không ít nghề cổ truyền của Việt Nam đã bị mai một, nghề làm tranh ở Đông Hồ vẫn tồn tại và phát triển, người làm nghề sống được bằng nghề của mình. Ngoài việc các nghệ nhân phải nhạy bén, năng động với cơ chế thị trường thì không thể không nói tới việc tranh Đông Hồ, trải qua nhiều năm tháng, đã quy tụ, chắt lọc được tinh hoa văn hóa của dân tộc, đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho văn hóa Việt Nam không bị “hòa tan” vào các nền văn hóa ngoại lai mặc dù đã trải qua ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc.
III. GIÁ TRỊ VĂN HÓA
Với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, tranh dân gian Đông Hồ trong nhiều thế kỷ qua đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đi vào văn chương, thi ca, nhạc, họa, tạo nên nét bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam.
Trong xã hội truyền thống, tranh dân gian Đông Hồ có sức sống lâu bền bởi phản ánh sinh động cuộc sống bình dị của người nông dân nơi thôn dã. Hình ảnh những đàn gà, đàn lợn, đám cưới chuột, những thiếu nữ hứng dừa, các bộ tranh tố nữ, tứ quý, tứ bình… thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, lễ hội, đình đám, văn hóa, con người Việt Nam.
Có thể tóm lược những giá trị tiêu biểu nhất của tranh dân gian Đông Hồ như sau:
- Một là, đây là dòng tranh có lịch sử phát triển rất lâu đời. Theo các nguồn sử liệu và công trình nghiên cứu, nghề tranh dân gian đã xuất hiện ở làng Đông Hồ từ thế kỷ XVI. Gia phả dòng họ Nguyễn Đăng cho biết họ đã hành nghề ở đây được 20 đời, tức là khoảng trên dưới 500 năm. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh, có nhiều nghệ nhân giỏi danh tiếng vang xa khắp vùng.
- Hai là, tranh dân gian Đông Hồ đáp ứng được nhiều chức năng xã hội khác nhau, từ tín ngưỡng, tâm linh, lịch sử đến giáo dục, phản ánh phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt… Chẳng hạn, tranh thờ cúng đáp ứng nhu cầu tâm linh (Ngũ hổ, Bạch hổ, Thập điện, Quan Âm, Phật Tổ…); tranh lịch sử giáo dục truyền thống, ca ngợi anh hùng dân tộc (Phù Đổng Thiên Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung…); tranh chúc tụng đáp ứng nhu cầu hướng tới những điều may mắn, tốt lành (Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Gà đàn, Lợn đàn…); tranh sinh hoạt phản ánh phong tục, tập quán, lễ hội, cuộc sống thường ngày của người dân (Đấu vật, Đu xuân, Hứng dừa, Đánh ghen, Đám cưới chuột, Thầy đồ cóc…); tranh phong cảnh ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, những thú chơi tao nhã (Mai – Lan – Cúc – Trúc, Xuân – Hạ – Thu – Đông, tranh Tố nữ…); tranh truyện đề cao đạo đức làm người, chính nghĩa thắng gian tà (Thạch Sanh, Phương Hoa, Truyện Kiều, Phạm Tải Ngọc Hoa…).
- Ba là, tranh Đông Hồ chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc, những ý nghĩa nhân sinh sâu xa. Trước hết, đó là những ước mơ, khát vọng từ những điều bình thường, giản dị nhất tới những điều thiêng liêng, cao quý nhất, như cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến những quan niệm nho giáo về đạo lý, lẽ sống ở đời. Tranh Đông Hồ rất chú trọng giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần thượng võ, ý chí quật cường của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tranh Đông Hồ cũng luôn đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn vinh người hiển đạt của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, tranh dân gian Đông Hồ có tính giáo huấn sâu sắc, luôn đả phá những thói hư, tật xấu, đề cao những giá trị nhân văn, lên án tầng lớp thống trị hoặc các thế lực ngoại xâm.
- Bốn là, tranh dân gian Đông Hồ có giá trị nghệ thuật độc đáo với những thủ pháp thể hiện mang đậm chất dân gian. Các bức tranh toát lên những đặc trưng thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật thuần phác của người nghệ nhân dân gian. Đó là nghệ thuật khắc họa không gian theo lối ước lệ, tượng trưng, mà không cần tuân thủ luật viễn – cận, tối – sáng như trong mỹ thuật hiện đại. Đường nét trong tranh Đông Hồ thiên về đơn giản, to đậm, nhưng cô đọng, chắc khỏe, có xu hướng cách điệu và trang trí hơn là tả thực. Chính những điều đó tạo nên nét đặc sắc của dòng tranh này.
- Năm là, tranh Đông Hồ được làm từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên. Giấy in được làm từ giấy dó quét điệp, còn gọi là giấy điệp. Bột điệp tạo cho nền giấy một màu trắng sáng trong, lấp lánh, tôn màu khi in, có ưu điểm là nhẹ, mỏng, dai, dễ hút màu, chống được vi khuẩn, mối mọt và rất bền. Các màu trong tranh đều được làm từ nguyên liệu thiên nhiên như than lá tre, lá chàm, hoa hòe, hạt dành dành, gỗ vang, sỏi son…, tạo cho tranh Đông Hồ một phong cách riêng, khác lạ, mang đậm chất dân gian.
- Sáu là, tranh Đông Hồ có kỹ thuật chế tác độc đáo, là loại tranh khắc gỗ (hay tranh in mộc bản). Tranh được in bằng ván khắc theo lối thủ công, theo kiểu xấp ván chứ không phải ngửa ván như một số dòng tranh dân gian các nước.
Tranh dân gian Đông Hồ vừa chân chất, gần gũi, vừa sâu sắc, triết lý, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, đến nay đã trở thành một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Trong cuộc sống đương đại, tranh dân gian Đông Hồ vẫn có những đóng góp vào sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam, cung cấp những chủ đề, môtip, hình thức thể hiện và tạo nguồn cảm hứng cho các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ trẻ.
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, hiện nay, nghề tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao. Do vậy, bảo vệ, giữ gìn và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với tư cách là một di sản quý của văn hóa dân tộc đang đặt ra vô cùng cấp thiết.