Site icon Quỹ di sản

Cầu nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa và lịch sử

Những ứng dụng công nghệ số như mã QR, thực tế ảo, và mô phỏng 3D… không chỉ nâng cao trải nghiệm mà còn thu hút đông đảo người trẻ tìm đến khám phá di sản văn hóa và lịch sử một cách hiện đại, lôi cuốn.

Mã QR: Gợi mở câu chuyện về di sản văn hoá qua công nghệ

Công nghệ mã QR đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hành trình khám phá di sản văn hoá tại nhiều di tích, bảo tàng. Việc tích hợp mã QR không chỉ tăng tính hiện đại cho trải nghiệm tham quan mà còn giúp người xem dễ dàng khám phá những câu chuyện lịch sử đằng sau từng hiện vật.

Ví dụ tiêu biểu là Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nơi hệ thống thuyết minh tự động qua mã QR đã thay đổi hoàn toàn cách khách tham quan tiếp cận hiện vật. Chỉ với một chiếc smartphone, các bạn trẻ có thể lựa chọn ngôn ngữ, quét mã để nghe thuyết minh, và từ đó hòa mình vào những câu chuyện sống động mà không cần sự hỗ trợ của hướng dẫn viên.

Tương tự, tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, mã QR còn được nâng tầm khi kết hợp với hình ảnh 3D của các tác phẩm nghệ thuật. Không gian bảo tàng không còn gò bó mà trở thành một nơi khám phá đầy cảm hứng, giúp người trẻ kết nối sâu sắc hơn với những giá trị nghệ thuật và văn hóa.

Thực tế ảo (VR): Biến việc khám phá di sản thành trải nghiệm sống động

Công nghệ thực tế ảo đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc truyền tải nội dung lịch sử, nội dung văn hoá, di sản đến giới trẻ. Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, công nghệ thực tế ảo VR không chỉ tái hiện các hiện vật và không gian mà còn đưa người tham quan vào thế giới giả lập sinh động như trận chiến hay việc lái xe tăng, điều khiển máy bay. Đây là cách tiếp cận mang tính thực nghiệm, khiến giá trị lịch sử, văn hoá không còn khô khan mà trở nên hấp dẫn, dễ hiểu hơn với giới trẻ.

Bảo tàng Đà Nẵng cũng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tái hiện các di tích nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan hay Thành Điện Hải. Qua góc nhìn chân thực, người trẻ có thể khám phá các giá trị di sản văn hóa theo một cách hoàn toàn mới, không chỉ trực quan mà còn đầy ấn tượng.

Khu vực tương tác với sa bàn 3D kết hợp thuyết minh bằng phim, âm thanh và ánh sáng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Mô phỏng 3D và tham quan trực tuyến: Đa dạng hóa trải nghiệm

Công nghệ mô phỏng 3D và các hình thức tham quan trực tuyến đã mang lại một phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp với thế hệ trẻ vốn quen thuộc với thế giới số.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là ví dụ tiêu biểu với các triển lãm giả lập 3D dành cho người tham quan online. Trong khi đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cung cấp tour tham quan 360 độ, mở ra cơ hội khám phá bảo tàng từ xa nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn và tính giáo dục cao. Các hình thức này đã giúp bảo tàng duy trì kết nối với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Giá trị từ sự đổi mới công nghệ

Sự tích hợp công nghệ vào khám phá các hiện vật lịch sử, văn hoá không chỉ hiện đại hóa phương thức trải nghiệm mà còn giúp thay đổi cách nhìn của giới trẻ đối với lịch sử và văn hóa. Qua các công nghệ như QR, VR và 3D, di sản văn hóa không còn là những khái niệm xa xôi mà trở nên gần gũi, dễ tiếp cận.

Những câu chuyện lịch sử được truyền tải qua lăng kính hiện đại khơi dậy sự tò mò, niềm đam mê khám phá của người trẻ, và quan trọng hơn, giúp họ nhận ra giá trị của việc bảo tồn và phát huy di sản dân tộc.

Trong kỷ nguyên số, công nghệ không chỉ là công cụ mà đã trở thành nhịp cầu kết nối giữa các thế hệ, khơi nguồn cảm hứng, tạo động lực để thế hệ trẻ tiếp tục bảo vệ và lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa một cách bền vững.

Exit mobile version