
Thời gian gần đây, các chương trình gameshow mang yếu tố văn hóa đang trở thành xu hướng, được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Các chương trình không chỉ đơn thuần là sân chơi giải trí, mà còn là cầu nối đưa những giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Với sức hút mạnh mẽ, chương trình “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” tạo nên một làn sóng tích cực. Những buổi concert hoành tráng có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi và cách thức lồng ghép sáng tạo các yếu tố di sản văn hóa truyền thống vào trình diễn, đã thu hút hàng trăm nghìn người yêu mến và ủng hộ.
Có người thậm chí thốt lên rằng, chưa bao giờ họ được chứng kiến một khoảnh khắc đặc biệt như thế, khi các bạn trẻ cùng nhau hát những ca khúc dân gian với tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Khi âm nhạc dân gian hiện diện trên sân khấu hiện đại, không chỉ là sự nối tiếp, mà là sự tái sinh của một di sản văn hóa, giúp thế hệ trẻ thêm phần gắn kết với cội nguồn và tự hào về bản sắc dân tộc.
Và không chỉ riêng “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”, trong suốt những năm qua, nhiều chương trình cũng được các ekip sản xuất truyền tải, đưa điểm nhấn là sự độc đáo của di sản văn hóa Việt Nam lồng ghép một cách tự nhiên, hài hòa.
Chương trình “2 ngày 1 đêm”, một chương trình thực tế với sự tham gia của các nghệ sĩ như Trường Giang, Lê Dương Bảo Lâm không chỉ mang lại niềm vui, tiếng cười mà còn hướng tới quảng bá văn hóa, đưa khán giả đi qua các địa điểm, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dài ở 3 miền tổ quốc.
Với mỗi tập phát sóng, khán giả không chỉ được thưởng thức những khoảnh khắc vui nhộn và những thử thách đầy kịch tính mà còn được dẫn dắt đi qua những danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, và những địa điểm văn hóa ít người biết đến. Đặc biệt, nhiều địa phương tưởng chừng như chưa được khám phá rộng rãi đã bất ngờ thu hút sự chú ý lớn từ công chúng chỉ sau một – hai tập phát sóng. Các món ăn đặc sản, cảnh sắc thiên nhiên, và các di sản văn hóa mỗi vùng miền đều được giới thiệu một cách sống động, làm người xem không chỉ yêu thích mà còn mong muốn một lần được đến thăm và trải nghiệm.
Nhiều gameshow là dẫn chứng về việc văn hóa vẫn đang được “giữ lửa”, phát huy và bảo tồn bởi chính những người trẻ, theo chính phong cách, cá tính rất riêng của những người trẻ.
Điểm đặc biệt của các chương trình là việc khéo léo kết hợp yếu tố giải trí với giáo dục về di sản văn hoá dân tộc. Điều này không những giúp mở ra những cơ hội mới cho du lịch mà còn là một cách thức rất phù hợp để những di sản văn hóa Việt Nam được biết đến rộng rãi hơn.
Cách người trẻ truyền tải giá trị văn hóa dân tộc thông qua các chương trình mang đến một diện mạo mới cho những giá trị văn hóa Việt Nam, khiến các giá trị văn hóa, di sản văn hóa của Việt Nam trở nên “viral” và dễ tiếp cận hơn với giới trẻ. Không chỉ là sân chơi cho các nghệ sĩ và người tham gia, mà còn là một “hành trình” thú vị cho người xem cảm nhận và khám phá vẻ đẹp tuyệt diệu của đất nước mình, từ đó tự hào về di sản và văn hóa dân tộc.
Ngoài các gameshow, các giai điệu, trang phục truyền thống, ẩm thực và những di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục được lưu truyền bởi các cá nhân yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hóa trước sự ảnh hưởng của công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, các sản phẩm về văn hóa dân tộc Việt Nam vẫn là xu hướng nổi bật, qua sự sáng tạo và tâm huyết của những người trẻ.
Ở khía cạnh âm nhạc, đã có rất nhiều nghệ sĩ trẻ đang tìm cách đưa âm hưởng, nhạc cụ truyền thống, và tinh thần dân gian vào những sản phẩm âm nhạc hiện đại, mang đến sự kết nối mới mẻ và gần gũi giữa thế hệ trẻ và truyền thống dân tộc.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng chịu tác động mạnh mẽ bởi mạng xã hội, nhiều cá nhân tận dụng thế mạnh về công nghệ như một cách để truyền tải những thông điệp tích cực về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử dân tộc đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Từ nền tảng Tik Tok, “Tuyết Mai Lây Dì” là một trong những người sáng tạo nội dung nổi bật trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa. Với đam mê và tâm huyết, đã khéo léo mang đến những nội dung độc đáo, truyền cảm hứng về trang phục truyền thống từ các triều đại và các nhân vật lịch sử Việt Nam.
Qua các nền tảng mạng xã hội, những bài đăng của người trẻ sáng tạo nội dung không chỉ thu hút lượng lớn lượt follow và tương tác mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sự phong phú và đẹp đẽ của di sản văn hóa dân tộc,
từ đó khơi dậy niềm tự hào và tình yêu đối với lịch sử và truyền thống Việt Nam.
Trung Lương là một trong những người trẻ tiêu biểu đã góp phần đưa cây đàn Nguyệt, một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, vươn xa và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trẻ tìm về với cội nguồn dân tộc.
Trung Lương kết hợp nhạc cụ dân tộc với những thể loại âm nhạc hiện đại, mang đến một làn gió mới, độc đáo và đầy lôi cuốn. Trên nền tảng mạng xã hội, không ít bạn trẻ đã hưởng ứng và sử dụng những nhạc cụ truyền thống như sáo trúc, đàn bầu, đàn nhị… để thổi hồn vào những bài hát hiện đại, tạo nên những sản phẩm âm nhạc hấp dẫn, thu hút hàng ngàn lượt xem từ cộng đồng.
Sức sáng tạo và tình yêu đối với di sản, văn hóa dân tộc của người trẻ đang ngày càng được khẳng định qua những xu hướng và trào lưu văn hóa nổi bật thời gian gần đây. Những sáng tạo này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn tạo ra cầu nối mạnh mẽ, mang âm nhạc và nghệ thuật truyền thống gần gũi hơn với thế hệ trẻ. Người trẻ không chỉ làm mới các giá trị văn hóa mà còn thể hiện sự kết nối độc đáo giữa quá khứ và hiện tại, thổi một luồng gió mới vào di sản dân tộc.
Chính từ những đam mê, những khát khao sáng tạo và trái tim nhiệt huyết của những người trẻ, di sản văn hóa dân tộc không chỉ sống lại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình hội nhập của dân tộc. Cảm nhận được sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, ta càng thấy rõ rằng văn hóa dân tộc không bao giờ lỗi thời, mà luôn tìm được những cách thức mới để tỏa sáng.
Đây là một tầm nhìn sâu sắc, được xem như trọng tâm không chỉ đối với sự phát triển kinh tế mà còn đối với sự bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Di sản Văn hóa cùng những giá trị lịch sử, truyền thống và tinh thần tự hào dân tộc, chính là nguồn lực nội tại mạnh mẽ giúp xây dựng một xã hội vững mạnh, đoàn kết và phát triển, đồng thời là nhân tố quan trọng để Việt Nam hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Việt Nam ta với thiên nhiên tươi đẹp cùng nền văn hóa đa dạng, đã vinh dự được UNESCO ghi danh tới 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu trữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có gần 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật Quốc gia. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và giá trị vượt thời gian của di sản văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tận dụng được những thế mạnh về công nghệ thì giới trẻ đang mang lại cho những giá trị xưa cũ một hình hài mới đầy sáng tạo. Không những gìn giữ những di sản văn hóa, mà còn tái hiện, truyền tải lại những giá trị đó một cách sinh động và gần gũi hơn với cộng đồng. Chính công nghệ và sự sáng tạo của giới trẻ đang góp phần giữ gìn và truyền tải những giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau, giúp chúng không bao giờ bị lãng quên.